Rup halin ( about me)

Ảnh của tôi
Dalam tanâh Yuen hu anâk Cam saong nagar Cam

Sang/Home

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Làng Chăm bên "Hồ Nước Trời"


Nằm giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội thuộc huyện An Phú, An Giang, "Hồ Nước Trời" bốn mùa trong xanh lặng lờ mặc dù thông nước với con sông Bình Di cuồn cuộn đục ngầu nước lũ qua cửa hồ rộng hàng trăm mét.
Dân quanh vùng cho đây là một điều bí ẩn không giải thích được.
Truyền thuyết kể rằng cách đây khoảng 200 năm có một mùa khô hạn kéo dài, để tìm nước dùng cho binh sĩ, một vị tướng nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật cúng trời Phật trước khi rút gươm đâm xuống đất. Lạ thay, một dòng nước trào lên đọng thành một hồ nước trong vắt. Từ đó người dân quanh vùng đặt tên cho hồ nước là Búng Bình Thiên, có nghĩa là “Hồ Nước Trời”.
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Búng Bình Thiên nhìn từ nơi giao nhau với sông Bình Di
Ngoại trừ ngày Lễ hội văn hóa mùa nước nổi lần 2 được tổ chức đầu tháng chín vừa qua, quanh năm hồ nước rộng 200ha - một trong những hồ nước ngọt rộng nhất miền Tây này bình yên hoang sơ đến nao lòng.
Những người yêu nét nguyên thủy của thiên nhiên nên tranh thủ đến đây, bởi đang có dự án đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng khu du lịch Búng Bình Thiên.
Rời trung tâm thị xã Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956, qua Cồn Tiên có xóm Chăm Đa Phước bình yên, qua những cánh đồng nước mênh mông. Đến km23+100 là ngã tư Quốc Thái, quẹo trái đi khoảng 2,5km là đến Búng Bình Thiên. Bạn có thể đón xe buýt ở bến xe trung tâm Châu Đốc đến ngã tư Quốc Thái, giá vé 7.000đ.
Thời điểm này đi quanh bờ Búng Bình Thiên bạn sẽ được “rửa mắt” cảnh đánh bắt cá đặc trưng mùa nước nổi của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Khơme, Chăm sống ven hồ và những ruộng sen nhiều hoa, những lùm điên điển vàng rực bông.
Trong số xóm làng bốn dân tộc sống quanh Búng Bình Thiên, làng Chăm có nét riêng nhất bởi đặc điểm sống rất cộng đồng không lẫn lộn với những người dân tộc khác.
Đi thăm làng Chăm đã hình thành hơn 100 năm với hàng trăm nhà sàn san sát nhau quanh một thánh đường, bạn dễ gặp những hình ảnh êm đềm: những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm trong trang phục tuyền thống, đầu trùm kín khăn đi trên đường làng, trẻ thơ đùa nghịch dưới bóng nhà sàn…
Nếu có tài “ngoại giao” bạn nên xin ngủ đêm ở nhà người Chăm nào đó để tìm hiểu cách sống của người Chăm theo đạo Hồi thì chuyến đi càng thú vị. Càng tuyệt vời hơn nếu được gia chủ đãi bạn món cà ri và món “tung lò mò” (lạp xưởng bò) truyền thống.
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Hàng trăm nhà sàn người Chăm trên bờ Búng Bình Thiên
Bạn cũng đừng quên khám phá những quán và món ăn rất “Búng Bình Thiên”.
Dọc làng Chăm có gần chục quán “cóc sàn” (quán như nhà sàn người Chăm thu nhỏ) khá ngộ. Chủ quán là những người nông dân, mùa lúa đi làm đồng, mùa nước nổi dọn ra bán. Vì vậy, món ăn quá mộc mạc và “siêu” rẻ nhưng rất ngon. Quán bún nước lèo cá lóc bán buổi sáng ở xóm Chăm chỉ 2.000đ/tô. Quán bánh khọt của bà Hai Quẹo, một đĩa sáu cái chỉ 1.000đ có kèm rau sống. Bánh xèo “nhụy” bông điên điển của cô Bảy bán 1.000đ/đĩa hai cái “chà bá”. Tô bún nước lèo của chị Năm giá 1.500đ ăn với rau muống ruộng dòn ngọt hái bên ruộng Miên….
Lang Cham ben Ho Nuoc Troi
Những cô gái Chăm xinh đẹp bên bờ Búng Bình Thiên
Điều thú vị khi đến Búng Bình Thiên xem như bạn đã đứng trên “đầu con lũ”. Nếu khám phá “Hồ Nước Trời” và làng Chăm mà vẫn còn thời gian những ngày nghỉ cuối tuần, bạn có thể tham quan Giồng Cây Da có cây da to 18 người ôm ở ấp 1, xã Vĩnh Khánh cách Búng Bình Thiên khoảng 7km; lang thang thị trấn biên giới Long Bình cách Giồng Cây Da vài kilômet.
ĐĂNG KHOA

Thánh đường Mubarak ở Châu Giang


Thánh đường Mubarak. Ảnh: TP. Diều
Ở Nam bộ, người Chăm không nhiều, phần lớn sinh sống tập trung ở An Giang. Mặc dù có cùng nguồn gốc, nhưng người Chăm ở An Giang khác với người Chăm ở miền Trung.
Người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận đa số theo đạo Bà La Môn, còn gọi là Chăm Bàni, còn người Chăm ở An Giang phần lớn theo đạo Hồi, còn gọi là người Chăm Islam. Chính sự khác biệt này đã làm cho đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của hai dòng Chăm này khác nhau.
Người Chăm ở An Giang thường cư trú theo các triền sông, vì cách cư trú này phù hợp với nghề đánh bắt thủy hải sản của họ. Và ở trong khu vực cư trú này, người Chăm thường xây rất nhiều thánh đường để tiện cho việc hành lễ. Các thánh đường này được người địa phương gọi là chùa, như chùa lớn, chùa nhỏ.
Từ thị xã Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang sang bờ bên kia rồi đi thẳng lên một đoạn là gặp thánh đường Mubarak, nằm trêm một khu đất rộng, thoáng mát. Đó là một công trình có lối kiến trúc hoàn toàn khác với các kiểu kiến trúc của chùa Hoa, chùa Việt, hay chùa Khmer thường gặp.
Mubarak được xem là một thánh đường có lối kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm văn hóa Hồi giáo nói chung và văn hóa của người Chăm ở Nam bộ.
Cổng chính vào ngôi thánh đường có hình vòng cung, phía trước, trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, biểu tượng của đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2,4 mét. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Bên trong thánh đường. Ảnh: Trần Phỏng Diều
Bên trong thánh đường không có bàn thờ hoặc hình tượng bất kỳ vị thần, thánh nào. Ở một đầu nhà có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng điều khiển các buổi hành lễ và có minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ Sáu hàng tuần. Căn phòng lớn rộng rãi với bốn vách tường được sơn hai màu trắng và xanh lợt, nền lót gạch bóng lộn làm cho không gian mát dịu dù ngoài trời nắng như đổ lửa. Trên trần nhà cao, những cây đèn chùm treo trên trần tô điểm nội thất thánh đường vẻ trang trọng, tôn nghiêm.
Hằng năm, có ba kỳ lễ lớn diễn ra ở thánh đường Mubarak. Đó là lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch; lễ Ramadan kéo dài từ ngày 01 đến 30 tháng 9 Hồi lịch (còn gọi là tháng ăn chay); lễ sinh nhật của đức giáo chủ Muhammed vào 12 tháng 3 Hồi lịch. Trong những dịp lễ này, đông đảo tín đồ Hồi giáo từ mọi nơi quy tụ về đây, tạo thành những ngày hội văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.

KHÁT QUÁT VỀ HỒI GIÁO VÀ HỒI GIÁO Ở VIỆT NAM

Thánh đường Masjid Al Muslimin – xã Quốc Thái, Huyện An Phú (Koh Kagia), tỉnh Angiang.
    Đạo Islam khi truyền bá vào Việt Nam được gọi là đạo Hồi hay Hồi giáo1. Trong những sách sử Trung Hoa xưa, đạo Islam được gọi là Hồi giáo hoặc Hồi Hột giáo, vì khi nó được truyền vào Trung Hoa thông qua một bộ lạc thuộc dân tộc Hồi Hột, nên người Trung Hoa gọi Islam là đạo Hồi hoặc Hồi Hột giáo.
A. KHÁI QUÁT VỀ HỒI GIÁO
I. Khái quát sự ra đời và quá trình truyền bá Hồi giáo vào Việt Nam
         1. Sự ra đời và phát triển của Hồi giáo
Đạo Islam khi truyền bá vào Việt Nam được gọi là đạo Hồi hay Hồi giáo. Trong những sách sử Trung Hoa xưa, đạo Islam được gọi là Hồi giáo hoặc Hồi Hột giáo, vì khi nó được truyền vào Trung Hoa thông qua một bộ lạc thuộc dân tộc Hồi Hột, nên người Trung Hoa gọi Islam là đạo Hồi hoặc Hồi Hột giáo. Sự ra đời của Hồi giáo bởi những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng ở bán đảo Ảrập vào đầu thế kỷ VII.
          1.1. Hồi giáo ra đời ở bán đảo Ảrập vào đầu thế kỷ VII sau Công nguyên. Sự ra đời của tôn giáo này xuất phát bởi một loạt nguyên nhân về kinh tế, chính trị, xã hội và tư tưởng; nó gắn liền với những biến chuyển xã hội, từ chế độ công xã nguyên thuỷ sang chế độ xã hội có giai cấp. Lịch sử thống nhất nhà nước Ảrập thành một nhà nước phong kiến độc quyền, đồng thời trên cơ sở thống nhất giữa các tín ngưỡng, tôn giáo trên bán đảo Ảrập.
          Sự ra đời của Hồi giáo gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Mohammad - người mạc khải, khai sáng tín ngưỡng Hồi giáo. Mohammad được tín đồ Hồi giáo thế giới tôn vinh là "tinh thần", "duy nhất", "toàn năng", "độ lượng", "siêu việt" và "vĩnh cửu"... là thiên sứ và Giáo chủ.
          1.2. Sau khi Hồi giáo ra đời, vào khoảng thời gian từ năm 622 đến năm 630, cùng với việc xây dựng lực lượng, tôn giáo này phải trải qua thời kỳ đấu tranh quyết liệt, kết hợp những cuộc "thánh chiến" với những hoạt động chính trị và ngoại giao, Mohammad và những người Hồi giáo đã chinh phục được thành Mecca và truyền bá Hồi giáo đến vùng này. Mohammad cùng những người anh em Hồi giáo xây dựng Mecca thành "Thánh địa " - trung tâm Hồi giáo thế giới cho tới ngày nay. Sau khi chinh phục thành Mecca, Hồi giáo đã trở thành một đế quốc bành trướng thế lực, tiếp tục mở rộng "thánh chiến" tấn công để mở rộng thế giới Hồi giáo. Mục tiêu trước hết là tiêu diệt người Do Thái ở Arabia, tàn sát và bắt những người có thái độ chống đối làm nô lệ cho người Hồi giáo chiến thắng. Từ năm 636, Hồi giáo bắt đầu những cuộc viễn chinh tấn công, mở đầu cho một thời kỳ truyền bá Hồi giáo sang các quốc gia khác. Cho đến thế kỷ XI, Hồi giáo trở thành một tôn giáo quốc tế, thống soái các quốc gia dân tộc từ Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Vào khoảng ba thế kỷ sau (từ thế kỷ XIV đến XVI), Hồi giáo truyền bá xuống vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
          1.3. Hiện nay, Hồi giáo là tôn giáo có tín đồ đông nhất thế giới (trên 1,3 tỷ tín đồ), có mặt ở hơn 100 quốc gia trên tất cả các châu lục. Quốc gia có đông người Hồi giáo nhất hiện nay không phải là nước ở khu vực Trung Đông như nhiều người vẫn tưởng, mà là Indonesia nước ở khu vực Đông Nam Á với trên 180 triệu tín đồ chiếm 87% dân số của đất nước này.
          Mặc dù Hồi giáo Islam là một tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng lại không có hệ thống tổ chức giáo hội quốc tế và không có hệ thống phẩm trật chức sắc (người giữ vai trò trung gian thay quyền Thượng đế Allah) mà chỉ có các giáo sĩ đảm nhận những chức trách như: Khalifat, Mufti, Naep, Hakim, Ahly, Imâm, Tuôn...
          1.4. Từ khi Mohammad qua đời, nội bộ Hồi giáo xảy ra nhiều cuộc tranh chấp quyền lực. Vì vậy, sau này Hồi giáo phải chia thành các dòng, các hệ phái khác nhau. Cho đến nay, Hồi giáo vẫn không có người thừa kế ngôi vị Khalifat (Giáo chủ). Đây là nguyên nhân chính, là hệ quả của việc Hồi giáo không có tổ chức giáo hội quốc tế. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX trở lại đây, với sự gia tăng không ngừng số lượng tín đồ Hồi giáo trên thế giới làm cho dạng thức thuần nhất của Hồi giáo thời Mohammad không thể duy trì được mà đã có sự biến dạng thành những cộng đồng (Jamah) ngăn cách bởi chế độ xã hội của mỗi quốc gia. Theo đó, Hồi giáo cũng phát triển mối tương giao với những tín ngưỡng, tôn giáo khác. Chính vì vậy, các quốc gia có đông người Hồi giáo có khuynh hướng thành lập tổ chức Hồi giáo gắn với lãnh thổ của từng nước, kết hợp hoạt động tôn giáo với chăm lo đời sống mọi mặt cho cộng đồng. Mặt khác, một số tổ chức Hồi giáo quốc tế cũng ra đời, tuy nhiên các tổ chức này mang hình thức "liên hiệp" lỏng lẻo, không phải là tổ chức giáo hội quốc tế.
   2. Sự du nhập Hồi giáo vào Việt Nam
   Hồi giáo truyền vào khu vực Đông Nam Á khá sớm, khoảng thế kỷ XI, XII. Nếu so với các khu vực Hồi giáo khác trên thế giới, thì việc truyền bá Hồi giáo vào Đông Nam Á chủ yếu bằng con đường "hoà bình" qua những thương nhân Ảrập, Ấn Độ, Ba Tư. Những thế kỷ đầu sau khi ra đời, Hồi giáo phát triển nhanh như vũ bão bằng chiến tranh với công thức “thanh gươm - vó ngựa - kinh Qur'an". Tuy nhiên, khi chinh phục được Ấn Độ, đoàn quân Hồi giáo đã mệt mỏi, lại đứng trước biển cả mênh mông đã cản bước tiến quân các chiến binh Hồi giáo đến khu vực Đông Nam Á nên Hồi giáo đành phải truyền bá đến đây qua các thương nhân và các giáo sỹ. Chính sự du nhập và phát triển bằng con đường "hoà bình", lại từ nguồn Hồi giáo Ấn Độ đã dung hoà với văn hoá Ấn Độ nên Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á thường bị pha trộn với tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương. Điều này khác hẳn với những nơi Hồi giáo bành trướng bằng những cuộc chiến tranh chinh phục. Hồi giáo khu vực Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa Hồi giáo như một số khu vực khác.
   Hồi giáo du nhập vào Việt Nam qua các thời điểm khác nhau. Theo Tống sử Trung Quốc thì thế kỷ X đã thấy người Chăm khi giết trâu để cúng, họ đều cầu nguyện câu kinh đề cao Thượng đế Allah của người Hồi giáo, điều này có thể giả định từ thế kỷ thứ X, Hồi giáo đã được truyền vào đất Chiêm Thành.  
    Vậy có thể nói: Từ thế kỷ X, tín ngưỡng Hồi giáo đã manh nha ở Vương quốc Chămpa thông qua các thương nhân từ Trung Cận Đông đem vào, gây ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh người Chămpa. Nhưng Hồi giáo không phát triển, có lẽ vì lòng sùng tín thần thánh Bàlamôn giáo, tập tục, lễ nghi cùng chế độ mẫu hệ đã bén rễ ăn sâu, trở thành truyền thống trong xã hội Chămpa, trải qua hơn nghìn năm không dễ gì thay đổi. Vì vậy, ở Vương quốc Chămpa cổ vào khoảng trước năm 1470 Hồi giáo chưa phải là tôn giáo chính thống của người Chăm.  
     Sau năm 1470, một bộ phận cư dân Chămpa lưu tán đã tiếp xúc với người Malaysia, Indonesia, Campuchia... và họ bắt đầu tìm hiểu Hồi giáo ở các nước đó, nhiều người Chăm bỏ tôn giáo truyền thống (đạo Bàlamôn) để theo Hồi giáo. Những người Chăm khi tiếp thu được tôn giáo mới, họ quay về nước để truyền lại cho đồng bào mình. Từ đó Hồi giáo có chỗ đứng đáng kể trong cộng đồng cư dân Chămpa và chính thời điểm này sự giao hoà giữa đạo Islam và đạo Bàlamôn đã sản sinh ra một tôn giáo mới của người Chăm, đó là đạo Bàni tại miền Nam Trung bộ.
    Vào năm 1840, dưới triều Nguyễn, quan bảo hộ Chân Lạp là Trương Minh Giảng bị quân của An Dương - Campuchia đánh bại phải rút chạy về vùng thượng nguồn sông Tiền (Châu Đốc - An Giang ngày nay) mang theo quân lính và người Chàm, người Mã lai theo Hồi giáo, lúc đó nhà Nguyễn dựa vào lực lượng này lập các đội quân để giữ biên giới. Từ đó hình thành vùng thứ hai theo Hồi giáo chính thống của người Chăm - đạo Islam.
   Những năm cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, vùng Sài Gòn - Gia Định mở rộng giao lưu buôn bán với một số quốc gia phương tây, từ đó trở thành trung tâm buôn bán của Nam bộ. Các thương nhân đã thu nhận người Malaysia, Indonesia, Ấn Độ theo Hồi giáo. Tuy nhiên, cho mãi đến cuối thế kỷ XIX khi Nam bộ bị Pháp chiếm đóng, quá trình giao thương với bên ngoài ngày càng phát triển, là môi trường và điều kiện để cho người Malaysia và Indonesia nhập cư vào đất này đông hơn. Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 1880 - 1890, ở Gia Định cũng xuất hiện một bộ phận người Ấn Độ, Pakistan có tín ngưỡng Hồi giáo là những thương nhân làm nghề buôn bán tơ lụa, đồ gia vị cho những tiệm buôn, quán ăn. Đó là nguồn gốc hình thành cộng đồng cư dân ngoại lai theo Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh cho tới ngày nay.
II. Đức tin và giáo luật của Hồi giáo
          1. Cũng như bất cứ một tôn giáo nào, giáo lý Hồi giáo cũng bao gồm những quan niệm về thế giới và con người. Tuy nhiên, giáo lý Hồi giáo chứa đựng yếu tố tín ngưỡng cổ của người Ảrập. Cơ sở giáo lý Hồi giáo là niềm tin vào Thượng đế Allah và Thiên sứ Mohammad, tin vào thiên thần và sự bất tử của linh hồn, tin vào ngày phục sinh và phán xét cuối cùng. Đặc biệt là tin vào sự vĩnh cửu của kinh Qur'an và luật Sariat.
          Kinh Qur'an là thánh thư của Hồi giáo, được thiết lập gồm 30 phần, 114 chương (Surah) với 6.211 câu (Ayat) và được viết bằng tiếng Ảrập. Theo Hồi giáo, kinh Qur'an là những lời giáo huấn của Thượng đế cho mọi người mà Thiên sứ Mohammad đã nhận được qua thiên thần Gabriel trong khoảng 22 năm (610-632). Thực ra, kinh Qur'an là tập hợp những lời thuyết đạo của Mohammad lúc còn tại thế, mãi về sau này được sưu tầm, biên soạn thành văn bản chính thức lưu truyền cho đến ngày nay. Kinh Qur'an được người Hồi giáo coi là "cuốn sách vĩ đại nhất, thông thái nhất" chứa đựng mọi "chân lý và tri thức" của loài người.
          Thực tiễn cho thấy, kinh Qur'an không chỉ đơn thuần là kinh sách tôn giáo mà nó còn có ý nghĩa về tính pháp lý trong xã hội, có nhiều quy định về vệ sinh, ăn ở, hôn nhân, cách cư xử trong gia đình và trong quan hệ xã hội như: quan hệ mua bán, tài chính, chính trị - có cả tội ác và hình phạt. Đây là một đặc điểm quan trọng nhất của Hồi giáo, nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa đạo với đời, giữa tôn giáo và chính trị.
          Ngoài những điều, những hành vi cuộc sống thường nhật của con người mà kinh Qur'an không quy định, hành vi “đối nhân xử thế” của Mohammad hoặc những việc làm của tín đồ mà không bị ngăn cấm đều được coi như những điều luật về tôn giáo và đạo đức của con người. Sự ghi nhận đó là cơ sở và nguồn gốc sách luật thứ hai của tín ngưỡng Hồi giáo - luật Sariat.
          2. Hồi giáo là một tôn giáo không có hệ thống phẩm trật chức sắc, tuy nhiên giáo luật Hồi giáo lại chứa đựng nhiều nội dung và hành vi xử thế trong cuộc sống xã hội - con người có tính chất bắt buộc cao và rất khắt khe. Nó vượt ra khỏi phạm vi đức tin và những sinh hoạt tôn giáo thuần tuý để trở thành tiêu chuẩn pháp lý trong đời sống xã hội, chi phối mọi hoạt động của người Hồi giáo. Vì vậy, một số quốc gia Hồi giáo áp dụng và đưa luật Hồi giáo vào quản lý đất nước hoặc được thực hiện với luật pháp nhà nước. Giáo luật Hồi giáo tập trung vào 5 điều sống đạo cơ bản (còn gọi là 5 cốt đạo) sau đây:
          - Xác tín hoặc còn gọi là biểu lộ đức tin (Tawhid).
          - Cầu nguyện mỗi ngày (Solah).
          - Tháng lễ Ramadan - tháng 9 Hồi lịch.
          - Bố thí (Zakat).
          - Hành hương (Hadji) viếng thánh địa Mecca.
          Ngoài ra, những tín đồ Hồi giáo còn có nghĩa vụ dự thánh chiến (Jihad).
B. HỒI GIÁO Ở VIỆT NAM
I. Những đặc điểm chủ yếu
          Ở nước ta, cộng đồng cư dân Chăm theo Hồi giáo mang tính đặc thù rõ nét, được chia thành 2 dòng khác nhau. Người ta thường gọi là Chăm Islam và Chăm Bàni với những đặc điểm chủ yếu sau đây:
         1. Truyền thống gắn bó và đồng hành cùng dân tộc
          Việt Nam chủ yếu chỉ có người Chăm theo Hồi giáo. Vì vậy, Hồi giáo gắn bó với dân tộc Chăm, mà cư dân Chăm là một dân tộc có nền văn hoá đa dạng và phong phú; có truyền thống yêu nước, gắn kết với dân tộc và cách mạng, đã có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Chăm Hồi giáo luôn phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống đoàn kết, yêu nước gắn bó với cộng đồng các dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc.
          Hơn nữa, từ khi có Đảng đồng bào Chăm Hồi giáo luôn đi theo và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; làm tốt nghĩa vụ công dân, ủng hộ sự nghiệp đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
         2. Tính chính thống của Hồi giáo có thay đổi
Bởi tác động của bản sắc văn hoá dân tộc vùng Đông Nam Á, trong đó nền tín ngưỡng, tôn giáo bản địa cổ Bàlamôn chiếm địa vị chủ yếu. Sự tác động này được gọi là quá trình “Chăm hoá”.
          Như khi nghiên cứu, để chinh phục thế giới Ảrập và bành trướng thế lực, Hồi giáo chủ trương mở rộng “đất thánh” bằng các cuộc thánh chiến, với khẩu hiệu “Thanh gươm, vó ngựa, kinh Qur'an”. Nhưng khi Hồi giáo truyền bá xuống phía Đông bị cản trở bởi đại dương nên không thể tiến hành thánh chiến mà các giáo sĩ truyền đạo thông qua thương thuyền theo con đường mậu dịch để truyền bá và phát triển Hồi giáo ở vùng này. Chúng ta có thể khẳng định khi Hồi giáo truyền bá xuống phía Đông đã chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi bản sắc văn hoá truyền thống lâu đời của vùng Á Đông và tín ngưỡng cổ Bàlamôn với chế độ mẫu hệ, làm cho tính cách Hồi giáo phải biến đổi phù hợp với nền văn hóa bản địa.
         3. Tính quốc tế của Hồi giáo
          Hồi giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới, đang trong xu thế của quá trình “Hồi giáo hoá thế giới”. Hơn nữa, thế giới đang đứng trước nguy cơ xung đột sắc tộc và tôn giáo trong mối quan hệ “toàn cầu hoá”. Đảng ta chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế theo phương châm “Việt Nam là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”. Các tôn giáo ở Việt Nam, nhất là Chăm Hồi giáo đã, đang và sẽ tiếp tục chịu sự tác động nhiều mặt của Hồi giáo thế giới. Theo đó, một số sinh hoạt tôn giáo truyền thống của Hồi giáo vốn mang tính quốc tế nay được mở rộng. Nó vừa là nhu cầu, vừa là đặc điểm phổ biến đang phát triển.
          Cùng với xu thế hội nhập quốc tế của Nhà nước, Hồi giáo Việt Nam cũng mở rộng và phát triển giao lưu với các cá nhân, tổ chức Hồi giáo ngoài nước. Mối quan hệ đó không chỉ vì mục đích tôn giáo mà còn có những mục đích chính trị - xã hội. Nhằm thúc đẩy hoạt động Hồi giáo nước ta hội nhập vào cộng đồng Hồi giáo thế giới.
II. Thực trạng về tình hình Hồi giáo
         1. Số lượng và phân bố tín đồ
          Hiện nay, theo số liệu thống kê của các địa phương có Hồi giáo, số lượng tín đồ Hồi giáo khoảng hơn 72.000 người (bao gồm cả Chăm Bàni và Chăm Islam), cư trú trên địa bàn 13/63 tỉnh, thành phố cả nước. Hồi giáo ở nước ta hình thành hai dòng:
          - Một là: Cộng đồng Hồi giáo tuân thủ tương đối giáo lý Hồi giáo nguyên thuỷ gọi là Chăm Islam, sống tập trung ở 12 tỉnh, thành phố: An Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Bình Phước và Thủ đô Hà Nội.
          - Hai là: Cộng đồng theo Hồi giáo đã bị “Chăm hoá” gọi là Chăm Bàni, sống tập trung ở ba tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước.
         Qua khảo sát về tình hình Hồi giáo ở Việt Nam, có thể rút ra một số vấn đề sau:
          - Hồi giáo ở Việt Nam không nhiều và chủ yếu là trong cư dân Chăm. Tỷ lệ tín đồ tăng chậm trong thời gian qua, ngoài một bộ phận bỏ tín ngưỡng Bàni theo Islam ở Phước Nam (Ninh Thuận) vào những năm 60 của thế kỷ XX, số tín đồ theo Hồi giáo qua con đường “truyền đạo” không đáng kể và chủ yếu là tăng tự nhiên.
          - Dân cư hình thành theo các nhóm cộng đồng Jam'ah có tính quần cư là chủ yếu, một bộ phận không lớn cộng cư với người Kinh và các dân tộc anh em. Tuy nhiên, tính cộng đồng - nét truyền thống tổ chức - xã hội của cư dân Chăm vẫn là lối sống đặc trưng của cư dân Chăm Hồi giáo.
          - Hồi giáo nước ta có sự khác biệt giữa các vùng, trong đó Chăm Islam có mối quan hệ thường xuyên với Hồi giáo thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Mối quan hệ đó, ngoài yếu tố tôn giáo còn có quan hệ thân tộc.
         2. Nhu cầu về niềm tin tôn giáo
          Đồng bào Chăm Islam và Chăm Bàni có niềm tin tôn giáo sâu sắc vào Thượng đế Allah và Thiên kinh Qur'an, là nhu cầu đời sống tinh thần không thể thiếu, nó gắn chặt với yếu tố tôn giáo. Nó hoàn toàn khác với nhu cầu về vật chất trong đời sống xã hội. Nhưng niềm tin đó lại có sự khác nhau trong quá trình thực thi giáo luật Hồi giáo giữa hai dòng: Chăm Islam thực thi giáo luật Hồi giáo hầu như trọn vẹn mang tính chính thống, yếu tố tôn giáo sâu sắc hơn; Chăm Bàni thực hiện giáo luật mang tính tượng trưng, không thực hiện hết 5 điều sống đạo, chỉ thực hiện trong tháng Ramadan mà họ quen gọi là tháng “vào chùa’’ của các vị chức sắc. Mặt khác, Chăm Bàni chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo Bàlamôn và tín ngưỡng bản địa với chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng đa thần, có yếu tố dân tộc mang tính vượt trội.

        Quang cảnh buổi lễ của cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh
       3. Về thực trạng kinh tế - xã hội
          Đánh giá một cách tổng quát, tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào Chăm Hồi giáo nước ta hiện nay được cải thiện. Đời sống kinh tế của đồng bào Hồi giáo được nâng cao nhờ cơ sở hạ tầng phát triển, đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, nhất là khi Đảng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước. Cho nên, mức sống của đồng bào Chăm cũng được nâng lên theo tỷ lệ chung ở từng vùng, từng địa phương, số hộ đạt mức sống khá và giàu tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số cộng đồng Hồi giáo nhỏ lẻ thiếu đất sản xuất. Do đó, tình hình tái nghèo và thất học trong các cộng đồng này đang là một vấn đề cần được quan tâm.
          Những năm gần đây, đời sống văn hoá - xã hội trong các cộng đồng Hồi giáo cũng phát triển và tăng lên rõ rệt. Theo đó, trình độ học vấn trong đồng bào Hồi giáo cũng từng bước nâng lên, nhất là khi Nhà nước áp dụng chính sách miễn học phí cho học sinh là con em đồng bào Chăm. Một bộ phận người Chăm Hồi giáo có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học.
         4. Về cơ sở thờ tự
          Theo kết quả khảo sát, số lượng cơ sở thờ tự của Hồi giáo đến năm 2009 là 79 cơ sở. Trong đó, Chăm Islam có 40 thánh đường, 22 tiểu thánh đường; Chăm Bàni có 17 thánh đường (chùa). So với trước ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, số lượng cơ sở thờ tự của Hồi giáo tăng, nhiều cơ sở được trùng tu, sửa chữa khang trang.
5. Về tổ chức Hồi giáo
          Đối với Chăm Islam, trước năm 1975, ở miền Nam, Hồi giáo có hai tổ chức chính thức là: "Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam" và "Hội đồng giáo cả Islam Việt Nam". Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam hoạt động dưới sự điều hành của Ban Quản trị Hiệp hội Trung Ương và Đại hội đồng cơ sở. Nhằm mục đích: không hoạt động chính trị mà duy trì những tinh hoa đạo đức trong sinh hoạt tôn giáo; thực thi các tập tục truyền thống và đời sống đạo đã được kinh Qur'an giáo huấn. Tuy nhiên, cả hai tổ chức này nhất là Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam bị chính quyền Mỹ, Ngụy lợi dụng, sử dụng làm công cụ chống cách mạng. Do đó, nó cùng tồn tại đến ngày 30/4/1975 thì tự giải tán theo sự sụp đổ của chính quyền ngụy Sài Gòn.
          Mặt khác, trong cộng đồng Chăm Bàni ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trước năm 1975 đều có tổ chức "Hội đồng giáo cả" tuy chưa được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế vẫn hoạt động và tồn tại cho đến nay.
Từ sau giải phóng miền Nam đến trước khi có chủ trương của Đảng về công tác đối với Hồi giáo, ở Việt Nam mới có một tổ chức là Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo TP. Hồ Chí Minh được thành lập tháng 7/1992. Từ năm 2003 (thực hiện chủ trương của Đảng về công tác Hồi giáo), Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có Hồi giáo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo về mặt tổ chức cho bà con tín đồ. Đến nay, đối với Chăm Islam, có thêm hai tổ chức Hồi giáo cấp tỉnh ở tỉnh An Giang và Tây Ninh; đối với Chăm Bàni, có Hội đồng sư cả Hồi giáo Bàni tỉnh Ninh Thuận. Trong thời gian qua, việc thành lập tổ chức của các cộng đồng Hồi giáo giúp cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương đối với Hồi giáo tốt hơn, kịp thời đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con tín đồ.
Thông qua các tổ chức này, cấp uỷ, chính quyền, UBMTTQVN và đoàn thể các cấp có nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho bà con tín đồ Hồi giáo. Nhằm giúp họ hiểu rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của tín đồ Hồi giáo, củng cố niềm tin, ý thức tự nguyện ủng hộ và tham gia thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chủ trương, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta./.
Trần Thị Minh Thu
Chuyên viên Vụ Các tôn giáo khác
Ban Tôn giáo Chính phủ

Người tham gia làm rõ vai trò người Chăm

40 tuổi, Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về người Chăm; là một trong những gương điển hình tại Đại hội Thi đua TPHCM năm 2005

Ngày nay, ai cũng hiểu văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Và văn hóa Chăm cũng góp phần đáng kể”. TS Phú Văn Hẳn (Ja Samad Han) với tư cách người tham gia làm rõ vai trò của các dân tộc thiểu số nói chung, người Chăm nói riêng đã cho biết như vậy. Bản sắc văn hóa chính là sức mạnh
Phú Văn Hẳn, người dân tộc Chăm, sinh ra, lớn lên tại Phan Rang (Ninh Thuận). Học xong THPT, anh thi đỗ vào Trường ĐH Tổng hợp TPHCM. Năm 1988, anh về công tác tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, sau đó, được đi tu nghiệp tại Malaysia (1993-1995). Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trong và ngoài nước. 40 tuổi (2003), Phú Văn Hẳn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ. Hiện, TS Phú Văn Hẳn còn là Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc TPHCM và là một trong những gương điển hình tại Đại hội Thi đua TPHCM năm 2005. Theo anh, mỗi dân tộc ở VN có thể khác nhau về hoàn cảnh, về lịch sử phát triển, về dân số, về truyền thống và bản sắc riêng, nhưng đó chính là tâm hồn, bản chất, ý chí, sức mạnh của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lịch sử đã chứng minh điều ấy. Thời gian gần đây, một số người Hồi giáo cực đoan tiến hành khủng bố ở một số nước trên thế giới, càng thôi thúc những trí thức người Chăm như anh phải nghiên cứu và lý giải cho mọi người hiểu thêm về người Chăm và cộng đồng người Chăm Islam ở VN, cùng những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Mong làm được nhiều điều tốt
Theo thời cuộc, người Chăm có một bộ phận đã thực hiện một cuộc hành trình dài qua đất Chân Lạp, Xiêm La, Malacca... quay lại An Giang và Tây Ninh, rồi đến Sài Gòn sinh sống. Do đó, tín ngưỡng dân tộc của họ đã tiếp nạp ảnh hưởng của tôn giáo mới từ các cộng đồng dân tộc khác trên con đường di chuyển. Đến Nam Bộ, cộng đồng Chăm lại gặp đồng đạo người Ấn, người Afghanistan, người gốc Buwean (Malaysia và Indonesia). Cho nên rất dễ hiểu khi hầu hết người Chăm ở Nam Bộ đều theo đạo Islam. Tuy nhiên, người Chăm trong quá trình phát triển văn hóa cũng đã dung hòa với yếu tố văn hóa Islam và văn hóa các dân tộc sống chung quanh. Người Chăm theo đạo Islam đều tin con người luôn chịu sự chi phối của thượng đế; tin vào ngày phán xét cuối cùng. Niềm tin ấy khuyến khích họ làm thật nhiều điều tốt để sau này được thượng đế ban thưởng vào thiên đàng. Tháng chay Ramadan (tháng 9 Hồi lịch), người Chăm luôn phải giữ mình trong sạch, phải chịu thử thách. Họ nhịn mọi thứ vào ban ngày và chỉ được phép ăn uống, hút thuốc vào ban đêm, không được hát xướng, vui chơi, không được gây gổ, cãi vã... Qua đó, họ thông cảm với những người nghèo khổ và tha thứ lỗi lầm cho nhau. Người Chăm quan niệm cuộc sống hiện tại là tạm bợ, nên việc tổ chức tang ma tương đối đơn giản hơn so với các cộng đồng khác. TS Phú Văn Hẳn cho rằng, người Chăm Islam ở TPHCM và các tỉnh Nam Bộ tin vào thượng đế, tin vào Đức Muhammad, xem kinh Koran là chuẩn mực đạo đức để phán định các vấn đề. Họ luôn muốn làm nhiều việc tốt đẹp cho đời để được hưởng phước lộc sau ngày phán xét.
Những việc làm cụ thể cho đồng bào Chăm
Qua những gì mà bản thân anh, những trí thức trẻ người Chăm, bà con người Chăm, kể cả người Chăm Islam làm lâu nay đã được cộng đồng các dân tộc anh em, và chính quyền ủng hộ, TS Phú Văn Hẳn nói: “Gần 20 năm sống, làm việc tại TPHCM, tôi và bà con người Chăm rất biết ơn Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có những chính sách tốt cho đồng bào dân tộc ít người nói chung, đồng bào người Chăm nói riêng. Cụ thể, ngày 1-5-2005, chương trình phát thanh tiếng Chăm lần đầu tiên được phát trên Đài Tiếng nói VN. Năm 2004, Bộ VHTT tổ chức “Những ngày văn hóa Chăm” ở Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa Chăm lớn nhất từ trước đến nay – sự kiện đặc biệt trong lịch sử văn hóa Chăm, và là dịp để những đại biểu người Chăm ở các vùng miền trong cả nước gặp nhau. Riêng tại TPHCM, Thành ủy đã chỉ đạo cho ngành giáo dục miễn 100% học phí cho con em người Chăm từ lớp 1 đến lớp 12. Đặc biệt, UBND TPHCM có quyết định cho cộng đồng người Chăm một nghĩa trang nằm trong nghĩa trang TP (Đa Phước, Bình Chánh). Quyết định này làm cho người Chăm TPHCM xúc động lắm, bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử Chăm, người Chăm có một nghĩa trang riêng. Chính những việc làm thiết thực ấy đã giúp chúng tôi vững tin vào cuộc sống, và thấy cần phải cố gắng hơn nữa để góp phần bồi đắp, phát huy nền văn hóa đa địa phương, đa sắc tộc của TP”.
NHÃ THUẦN

Nhà ở của người Chăm


Người Chăm có trên 8 vạn người, cư trú ở các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Phan Rang, An Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng bào có một số nhóm địa phương như nhóm Chăm H’roi ở Phú Khánh, nhóm Chăm Pôông ở Bắc Bình…
Người Chăm có hai tôn giáo chính: Bà la môn và Bà ni ( hồi giáo bản địa hoá) và Chăm Hồi giáo (islam) ở An Giang và một bộ phận Chăm ở Ninh Thuận. Đặc điểm tôn giáo này đã tạo nên những nét đặc trưng riêng biệt trong văn hoá tộc người Chăm ở Việt Nam .
Người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận sống thành từng làng, mỗi làng có khoảng 100 gia đình sống quần tụ theo dòng tộc. Những gia đình người Chăm có nhiều thế hệ sống chung trong một khuôn viên lớn, trong đó có nhiều gia đình nhỏ. Xung quanh khuôn viên có tường bao bọc, cổng quay về hướng Nam hay Tây Nam. Nhà ở được xây cất theo một trật tự nhất định gồm: Nhà khách, nhà của cha mẹ, nhà của những người con chưa lập gia đình, nhà của những người con gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục. Nhà chính là nhà cuối cùng dành cho cô út cưới chồng và thừa kế.
Nhà cửa của người Chăm ở An Giang là loại nhà sàn làm bằng gỗ, mái lợp ngói. Gầm sàn rất cao để tránh mùa nước nổi. Nhà thường quay xuống sông, kinh, rạch hoặc quay ra lộ đường cái, nhà làm 4 mái, có hiên trước, hiên sau và có hai cầu thang lên xuống hiên thường rộng từ 2 – 3m và dài từ 11 – 12 m, chiều ngang nhà là 5 – 6m. Nhà có 2 cầu thang, cầu thang ở phía trước nhà, rộng 1m, có 9 - 11 bậc tuỳ thuộc vào chiều cao của gầm nhà sàn. Cầu thang phía sau nhà dành cho phụ nữ đi lại.
Mặt bằng sinh họat nhà người Chăm ISlam ở An Giang gồm có một hành lang hiên phía trước nhà rộng 2m, dài 5m, làm nơi để khung dệt vải khi mùa nước nổi; một hành lang ở hiên sau nhà, dùng để nông cụ, nhốt gà vịt khi mùa nước nổi và đặt bếp
Trong nhà có không gian 2x5m, dành tiếp khách và làm nơi ngủ của nam giới, buồng của các cô gái được ngăn riêng, tạo thành lối hành lang chung ở giữa nhà. Trong nhà còn có một góc sàn thưa, để tắm rửa cho người chết và niệm trước khi đem đi chôn cất.

Chăm Islam, xin đừng phủ nhận Kate!!!

Đứng trên phương diện văn hóa, Katê là một lễ hội của người Chăm Ahier, nhưng lễ hội này đã trở thành một di sản văn hóa của toàn thể dân tộc Champa. Và lễ Katê này có giá trị văn hóa tương ứng với các lễ hội khác của vương quốc Champa như lễ Ramavan, Rija Nagar, Suk Ayeng, v.v... hay một số lễ của Chăm Islam (Hồi Giáo chính thống).

Putra Champa
Theo quan điểm của tôi, bảo tồn truyền thống lễ hội Katê, Ramavan, Rija Nagar, Suk Ayeng, v.v... không phải chúng ta tin vào thần thánh, nhưng là bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Chăm Ahier và người Chăm Awal.
Katê hôm nay đã trở thành một trong lễ hội truyền thống của Champa, cũng như các lễ hội khác của dân tộc Chăm Bani, dân tộc Raglai, Churu, Radhe, Jarai, v.v... Tất cả các lễ hội này là yếu tố cấu tạo thành nền văn minh Champa. Chúng ta phải tự hào là chúng ta có một nền văn minh rất đa dạng và đa hình thức.
Dân tộc Champa là dân tộc đa tôn giáo. Nhưng không vì tín ngưỡng riêng biệt của mình mà chúng ta lại phủ nhận những yếu tố văn hóa Champa không liên hệ đến tôn giáo của chúng ta được. Vì rằng, tôn giáo thuộc lòng tin thiêng liêng của cá nhân; Văn hóa và lịch sử thuộc lòng tin thiêng liêng tập thể của một dân tộc. Chúng ta có thể tin và tự hào về bất cứ một tôn giáo hay một tín ngưỡng nào, nhưng chúng ta không thể phủ nhận mình là dân tộc Champa.
Văn hóa là linh hồn của một dân tộc. Mất văn hóa có nghĩa là mất tính dân tộc. Tìm hiểu về văn hóa của dân tộc là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người dân Champa. Hiểu và thực hiện đúng ý nghĩa và giá trị văn hóa Champa cũng là một nghĩa vụ nhằm góp phần chứng minh rằng dân tộc Champa chúng ta có một nền văn hóa và văn minh riêng biệt.
Yếu tố văn hóa của dân tộc là một vấn đề vô cùng quan trọng. Nó phản ảnh trực tiếp giữa quá khứ và hiện tại, giữa xưa và nay. Không vì Champa vong quốc mà ai cũng muốn định nghĩa Katê theo quan điểm riêng tư của mình, dựa trên chủ thuyết tôn giáo của mình hay dựa theo những dòng ý thức vô cơ sở khoa học được.

Cuối cùng chúng ta không thể quên câu châm ngôn mà các bậc tiền nhân chúng ta để lại đó là : “Ia hu halau, kayau hu gha” (nước có nguồn, cây có cội). Chúng ta hãy nhận diện Katê một cách đúng đắn hơn để từ đó chúng ta cùng nhau góp sức để đưa lễ hội Katê cũng như các lễ hội khác tìm về với cội nguồn, gốc rễ, đưa các lễ hội này về đúng vị trí trong một ngôi vườn văn hóa Champa. Một ngôi vườn với ngàn hương trăm sắc đẹp hơn một ngôi vườn chỉ có một loài hoa.
Putra Champa

Người Chăm Islam Trên Xứ Chùa Tháp

ác giả : Ngô Thế Vinh
(Gửi Nhóm Bạn Cửu Long & Anh Dohamide )
While hot waters run shallow,
cold waters run deep_ Haji Yasuf
NHỮNG BÔNG SỨ TRÊN ĐẤT CHÙA THÁP
Đầu thế kỷ 19, ngay sau khi Lê Văn Duyệt Tổng Trấn Gia Định Thành từ trần 1832, tiếp theo sự kiện một số người Chăm theo Lê văn Khôi_ con nuôi Lê Văn Duyệt, nổi loạn chống lại triều đình Huế, vua Minh Mạng có ngay quyết định tức tốc chiếm đóng Panduranga-Champa áp dụng chính sách cực kỳ tàn bạo thẳng tay tiêu diệt tất cả những người Chăm không phục tùng triều đình Huế. Ngay sau đó Minh Mạng cho lệnh xóa bỏ Panduranga-Champa trên bản đồ và chia đất đai lại thành hai huyện An Phước và Hòa Đa thuộc tỉnh Bình Thuận.
Từng bị tan tác trong những cuộc phân tranh đẫm máu giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn, một lần nữa dân tộc Chăm bỗng trở thành nạn nhân vô cùng bất hạnh “giữa hai đường gươm giáo” trong những cuộc tranh chấp giữa những người Việt. Năm 1832 có thể coi là thời điểm mốc đánh dấu vương quốc Champa hoàn toàn bị tiêu vong do cuộc Nam Tiến của người Việt.
Thoát được cuộc tàn sát khủng khiếp của vua Minh Mạng, những người Chăm còn sống sót ở các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam_ vốn là quê hương họ, đã phải tìm đường trốn chạy sang Cam Bốt. Họ định cư đông nhất ở các tỉnh Kompong Cham, Kompong Chhnang [Kompong có nghĩa là bến sông] và một số khác sống rải rác theo hai bờ con sông Mekong, sông Tonlé Sap và Biển Hồ. Họ chủ yếu sống bằng nghề đánh cá, trồng lúa, dệt lụa, chuyên mổ trâu bò (do người Khmer theo đạo Phật kiêng sát sinh), nghề rèn dao búa, họ còn biết làm thuốc và một số ít sống ở các vùng hẻo lánh còn có tài về ma thuật (sufi).
Theo mấy người bạn anh Dohamide trốn thoát được Khmer Đỏ sang Thái Lan hiện định cư ở Mỹ kể lại thì những người Chăm có tay nghề rèn rất được trọng dụng dưới thời Pol Pot, họ được tuyển mộ vào những công binh xưởng để rèn vũ khí cho dù họ vẫn bị Khmer Đỏ nghi kỵ và nếu bất ưng thì vẫn cứ bị giết.
Mức sống của các cộng đồng người Chăm cao thấp khác nhau. Giàu có sung túc ở các tỉnh Kompong Cham, Kompong Chhnang; mức sống nghèo khó như ở Takeo, các làng ven sông Tonle Sap.
Giữa một xã hội Khmer theo Phật giáo như một quốc giáo, những người Chăm sống sót từ vương quốc Champa cho dù tiêu vong nhưng do họ vẫn muốn giữ một căn cước chủng tộc và văn hóa riêng nên họ đã chọn theo đạo Hồi khi có dịp tiếp xúc với các thương nhân tới từ các nước Hồi Giáo như Mã Lai, Nam Dương, Ấn Độ… Tôn giáo này đã phát triển rộng khắp trong cộng đồng người Chăm sống trên xứ Chùa Tháp cho dù tổ tiên họ trước đó có rất ít người có gốc gác theo đạo Hồi.
Người Chăm Muslim [còn được người địa phương gọi là Khmer Islam] khoảng 500 ngàn người là cộng đồng thiểu số tôn giáo lớn nhất ở Cam Bốt. Số người Việt trên xứ Chùa Tháp có thể đông hơn nhưng là những cộng đồng đa tôn giáo: Phật giáo, Thiên Chúa Giáo… Nếu Bông Sứ Champaka là biểu tượng của vương quốc Champa, có thể xem các cộng đồng Chăm Islam tỵ nạn này như những Bông Sứ nở trên đất Chùa Tháp.
Khác biệt với các cộng đồng người Chăm còn ở lại Việt Nam như ở các tỉnh Phan Rang Phan Rí đa số theo đạo Bà La Môn (Chăm Ahier), cũng có ít người Chăm theo đạo Hồi nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét sinh hoạt cổ truyền (Chăm Awal hay Bani) nên họ khác với người Chăm Muslim Châu Đốc (Chăm Bhrâu_ hay Chăm Mới).
Cộng đồng người Chăm Muslim Châu Đốc [mà dân địa phương quen gọi là Chà Châu Giang] có gốc gác từ Cam Bốt xuống, Thoại Ngọc Hầu đã tuyển mộ họ từ các đạo quân Côn Man để dùng như một lực lượng kìm kẹp trấn áp những sưu dân người Khmer trong công trình đào con Kinh Vĩnh Tế kéo dài hơn 5 năm với rất nhiều gian khổ chết chóc và thống hận; sau đó lớp người Chăm này được triều đình Huế thưởng công cấp đất cho lập bảy làng _ người Chăm gọi là Puk, để họ lập nghiệp làm ăn sinh sống_ như kết quả cuộc di dân lần thứ hai_ secondary migration.
SỐNG CÒN TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ
Do sự khác biệt về tôn giáo, cộng thêm với quá khứ người Chăm thường hợp tác với Việt Nam nên họ cũng bị người Khmer thù ghét, bị đối xử như một thứ công dân hạng hai_ tuy không tới mức gay gắt như đối với người Việt [mà người Khmer khinh miệt gọi là Bọn Yuon hay Bọn Bắc] nhưng họ cũng đã trở thành những nạn nhân của cuộc tẩy sạch chủng tộc [ethnic cleansing] của Pol Pot trong thập niên 70.
Ước tính đã có khoảng hơn một nửa tổng số người Chăm bị Khmer Đỏ sát hại, cộng thêm với những tổn hại vật chất hầu hết các thánh đường [Mosques] và trường học Hồi giáo bị phá hủy. Một số ít sống sót lại phải theo đường sông Mekong về hướng bắc trốn chạy sang Lào và hình thành một cộng đồng Chăm Islam trong quận Chantabouli ở Vạn Tượng.
Số người Chăm còn sống sót dưới thời kỳ Khmer Đỏ đã phải chịu vô vàn khó khăn thống khổ. Họ bị bỏ cho đói khát và hoàn toàn bị tước đoạt mọi tự do. Họ bị cấm cầu nguyện hay duy trì các tập tục Hồi Giáo, bị cấm nói tiếng Chăm, bắt phải ăn thịt heo cho dù đó là điều cấm kỵ trong đạo Hồi_ nếu cưỡng lại hay từ chối là bị giết. Phụ nữ Chăm bị bắt phải cắt tóc ngắn, cấm choàng khăn…
Một tương phản đáng ngạc nhiên là cho dù Thái Lan cũng là một quốc gia Phật giáo Tiểu thừa giống như Cam Bốt nhưng các cộng đồng người Chăm Islam ở miền nam Thái Lan lại có một cuộc sống thanh bình và ổn định hơn nhiều.
CÙNG VỚI NƯỚC CAM BỐT HỒI SINH
Thời kỳ sau Khmer Đỏ, cộng đồng Chăm Muslim đã phải đương đầu với thật nhiều vấn đề: như thiếu trường học, thiếu những thánh đường làm nơi cầu nguyện và thành phần người Chăm trí thức sống sót sau Khmer Đỏ kể như đếm được trên đầu ngón tay và tỉ lệ trẻ mồ côi Chăm thì rất cao.
Nhưng dần đà với thời gian, các thánh đường và trường học Hồi giáo lại bắt đầu được phục hồi do tiền trợ giúp từ Mã Lai, Saudi Arabia, Kuwait và các quốc gia Hồi giáo khác; cũng phải kể tới số tiền của các cộng đồng Chăm Islam ở hải ngoại từ Mỹ, Canada và Tân Tây Lan gửi về.
Điển hình là Kuwait đã tài trợ một cách hào sảng cho một số cộng đồng Chăm Islam để họ có phương tiện cải thiện cuộc sống tăng lương 20 đôla mỗi tháng cho các thầy giáo. Đó là những giúp đỡ thuần túy trong sáng chứ không kèm theo một điều kiện áp đặt nào.
Trước Khmer Đỏ có khoảng hơn 300 thánh đường Hồi giáo trên đất nước Cam Bốt nhưng đã bị hủy hoại gần hết dưới thời Pol Pot. Điều đáng mừng là hiện nay [thời điểm 12/2001] đã có hơn con số ấy, ngoài những ngôi thánh đường cũ được tái thiết còn có thêm những thánh đường mới. Ngôn ngữ dùng trong lễ giảng gồm tiếng Chăm, tiếng Khmer và cả tiếng Ả Rập [nhưng lại có rất ít người Chăm biết tiếng Ả Rập_ cho dù đó là ngôn ngữ của Kinh Koran].
Người Chăm Sunni Islam luôn luôn sống hài hòa với những tôn giáo khác. Không phải là hiếm thấy cảnh người Chăm cúng dường thức ăn cho các nhà sư đi khất thực qua nhà họ, cả đưa đò hay phà miễn phí cho các vị ấy qua sông.
Về phương diện xã hội, người Chăm Islam đã có một cuộc sống dễ thở hơn trong sinh hoạt cộng đồng và tôn giáo. Đơn giản như trong dịp lễ hội, người Chăm Islam bây giờ có tự do được mổ bò ăn mừng thay vì mọi chuyện phải xin phép là có được hay không như trước đây.
Về phương diện chính quyền, vào thập niên 60s, chỉ có duy nhất một người Chăm Islam làm thứ trưởng Bộ Thờ Phượng và Tôn Giáo [Ministry of Cults & Religious Affairs] nhưng sau đó thì bị Khmer Đỏ giết. Nay tình hình được cải thiện rõ rệt dưới chính quyền Hun Sen, đã có tới 20 người Chăm được tham chính, họ có chân trong nội các cấp Bộ Trưởng, được bầu vào quốc hội chưa kể các thành phần chỉ huy trong quân đội.
Về cơ bản, như mọi cộng đồng Hồi Giáo khác trên thế giới, người Chăm Islam xem đấng Allah là Thượng Đế, Mohammed là người mang sứ điệp của Allah tới họ. Thế hệ Chăm Islam 2000 luôn luôn được nhắc nhở giữ giáo luật như cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, cấm mình trong Mùa Chay Ramadan [nhịn ăn từ sáng tới tối kéo dài trong một tháng] để thấy đời sống người nghèo khó khăn ra sao rồi chia xẻ thức ăn tiền bạc với họ. Họ cũng ao ước được tới thánh địa Mecca để viếng mộ phần giáo chủ Mohammed và dự các buổi nghi lễ truyền thống. Hàng năm có hàng trăm người Chăm Muslim từ Cam Bốt đi hành hương Mecca_ nhưng rất ít là phụ nữ.
Nhìn chung sinh hoạt của cộng đồng Chăm Islam trên xứ Chùa Tháp không quá khắt khe như các cộng đồng Hồi Giáo Chính Thống [Fundamentalist] khác trên thế giới. Về y phục, đàn ông Chăm Islam thường vẫn đội mũ và quấn sarong. Phụ nữ Chăm tuy không bị bắt buộc phải mang y phục che kín hết phần thân thể và mạng che mặt chỉ để hở đôi mắt như ở Afghanistan, nhưng họ vẫn được khuyên răn là nên choàng khăn không để xõa tóc vì có thể kích dục nơi người đàn ông không phải là chồng họ. Không có cấm đoán hôn nhân ngoài chủng tộc hay với thành phần tôn giáo khác.
Sau Khmer Đỏ, với 20 ngàn lính Mũ Xanh UNTAC [United Nations for Transitional Authority in Cambodia] hiện diện ở Cam Bốt, phải nói là cả xã hội như một toàn thể đã có nhiều thay đổi theo cả cái nghĩa tốt và xấu. Họ tới để bảo vệ cho một nền hòa bình còn quá non trẻ để tiến tới xây dựng một nền dân chủ sơ khai cho Cam Bốt nhưng đồng thời cũng mang tới những ảnh hưởng tiêu cực như gia tăng đĩ điếm gia tăng hiểm họa dịch HIV…
Và ngày nay không phải là hiếm thấy ở Cam Bốt những người phụ nữ Chăm Islam thế hệ 2000 mặc váy ngắn hở chân, áo T-shirt hở ngực; và xa hơn thế nữa cho dù giáo luật khắt khe cấm liên hệ tình dục bên ngoài phạm vi gia đình nhưng vẫn có một số ít đàn ông và phụ nữ Chăm cũng không tránh được sa ngã trở thành nạn nhân của dịch HIV đang hoành hành từ đô thị tới thôn quê trên khắp đất nước Cam Bốt.
NHỮNG NGÀY SAU 911
Sau biến cố 911 ở New York, Washington đưa tới phản ứng trả đũa của Hoa Kỳ dội bom trải thảm ở Afghanistan. Biến cố xa hơn nửa vòng trái đất ấy nhưng không phải là không có ảnh hưởng gây khó khăn cho cộng đồng người Chăm Islam ở Cam Bốt trong vấn đề giao tiếp với thế giới bên ngoài. Rõ rệt nhất là các nguồn tài trợ cho các công tác thuần túy phát triển giáo dục xã hội và tôn giáo nhưng bị ngộ nhận là có thể liên quan xa gần tới các tổ chức khủng bố nên đã bị gián đoạn khiến một số công trình xây cất phải bỏ dở dang.
Cùng lúc không phải là tình cờ mà Bộ Thờ Phượng và Tôn Giáo của chính quyền Hun Sen đã cho ban hành đạo luật mới quy định một số hạn chế sinh hoạt tôn giáo_ mà đối tượng rõ ràng là nhắm tới các cộng đồng Chăm Islam ở Cam Bốt.
Haji Yusuf, lãnh tụ uy tín cộng đồng Chăm Islam Nam Vang [Phó Giáo_ Deputy Imam của Thánh Đường Al-Azhar] khi trả lời cuộc phỏng vấn báo Pnom Penh Post, Yusuf đã bày tỏ sự không đồng ý với các cuộc giội bom ồ ạt của Mỹ xuống Afghanistan gây tổn thất cho cả thường dân và theo ông biện pháp ôn hòa để chống lại các nhóm khủng bố sẽ có hiệu quả lâu dài hơn so với cuộc chiến tranh nóng như hiện nay. Rồi ông ta đưa ra một hình tượng rất ý nghĩa: “Dòng nước nóng chỉ chảy cạn trên bề mặt trong khi dòng nước lạnh thì chảy dưới sâu hơn_ while hot waters run shallow, cold waters run deep”. Yusuf tiếp: “ Nước Mỹ có thể làm bất cứ điều gì_ thế giới là ở trong tay họ. Chúng tôi không hề oán hận nước Mỹ bởi vì cả ngàn người Mỹ đã chết trong cuộc tấn công 911 vừa qua…” Ông ta chỉ muốn khuyên người Mỹ kiên nhẫn và hành động bằng một đầu óc tỉnh táo thay vì giận dữ như hiện nay.
Yusuf còn đưa ra một nhận định khái quát hơn, ông tiếp: “Tôi nghĩ rằng Phương Tây không nên bôi nhọ hình ảnh thế giới Hồi Giáo và rồi ra trong tương lai họ sẽ hiểu rõ Hồi Giáo hơn rằng đó là một tôn giáo tốt và chỉ có cá nhân chứ không phải Đạo Hồi có hành động khủng bố… Đạo Hồi là tôn giáo cầu nguyện cho hạnh phúc và xem chuyện giết tróc là có tội. Kể cả đốn chặt cây không lý do cũng là mang tội. “
Khi tới với Kompong Cham và Kompong Chhnang có niềm vui để thấy những gia đình người Chăm Islam có được một cuộc sống tương đối ổn định và cả sung túc. Nhưng khi tới với những người Chăm sống hai bên bờ sông Tonlé Sap, thấy họ sống trên các nhà sàn, nhà nổi và cả trên những chiếc ghe và cũng để thấy rằng họ không thể nào nghèo hơn, ngoài sự sống còn để nối truyền và đức tin của họ. Tôi đã chụp được những hình ảnh người Chăm Islam phủ phục cầu nguyện trên ghe trong Mùa Chay Ramadan trên dòng sông Tonlé Sap.
Từ trên một chiếc ghe đỗ, người đàn bà Chăm một mình đứng thả vó trên sông, chiếc vó kéo rộng hơn chiếc phản nặng trĩu mỗi lần nhô lên khỏi mặt nước. Vẫy vẫy trong lưới là đôi ba con cá trắng nhỏ không lớn hơn ba đốt ngón tay, có khi kéo lên một chiếc lưới không. Mửng này cho tới chiều cũng chỉ đủ được một soong cá cho bữa ăn tối gia đình. Vài chiếc ghe khác thì ra giữa sông thả lưới, cá nhiều hơn nhưng không còn thấy được những con cá lớn.
Chiếc ghe chạy vẫn chạy dọc theo hai bên bờ sông Tonlé Sap tới cầu Chruoy Changvar_ cũng là tên của bán đảo trung tâm đông đúc cộng đồng người Chăm Islam lớn nhất của Cam Bốt, phía bên kia cầu là giang cảng cho những con tàu chở khách đi Siem Reap hay đi các tỉnh phía bắc như Kompong Cham, Kratié...
Rời chiếc ghe trở lại con đường đê đất đỏ, không thể không xúc động và thương cảm khi choàng ôm hai em bé Chăm chân đất gầy gò và đen đủi (hình 2) nhưng ánh mắt sáng và thông minh và các em lại không được đi học. Làm sao mà trang trải món nợ tinh thần này với thế hệ của những người Chăm sống sót.
NGÔ THẾ VINH
Chruoy-Changvar – Phnom Penh, 14 - 12 - 01
Tham Khảo:
1/ A perspective from the Cham Muslim community. Robert Carmichael, Lon Nora. Phnom Penh Post. Oct 26 – Nov 8, 2001.
2/ The Chams: survivors of a lost kingdom. Laos and Cambodia. APA Publications GmbH & Co. 2000.
3/ Dân Tộc Chàm Lược Sử. Dohamide, Dorohiem. Hiệp Hội Chàm Hồi Giáo Việt Nam. Sài Gòn 1965.
4/ Góp Phần Tìm hiểu Lịch Sử Champa. Po Dharma. Champaka, No 1 , IOC-Campa San Jose, California 1999

Tình hình một xóm Chăm ở Tây Ninh và một chuyện truyền khẩu về lịch sử Chăm


Nguyên ngày xưa người Chăm ở phía Nam Trung kỳ bị người An Nam đánh đuổi thì có một nhóm mấy ngàn người chạy vào phía tây nam, rồi lập nghiệp ở đó, tức là nhóm người Chăm Tây Ninh bây giờ.
Bây giờ cả tỉnh Tây Ninh có 3 xóm Chăm ở, mà ở mỗi nơi một xóm, chớ không liên lạc nhau. Họ nói rằng: lúc đầu tổ tiên họ trốn lánh người An Nam về ở đó, chỉ rặt một giống Chăm mà thôi, về sau người An Nam đến chiếm đất ở chung quanh họ, lần lần càng ngày càng đông thành ra bây giờ An Nam ở bao bọc bốn bề, còn họ lọt vào ở giữa, điều đó họ lấy làm khó chịu lắm. Một người Chăm nói cùng tôi rằng: vì sự người An Nam xâm cư đó, năm bảy mươi năm nay đã có nhiều người Chăm không chịu được mà bỏ đây dời về ở trên miền sông Cái (tức là bờ sông Cửu Long); không biết chừng rồi đây chúng tôi cũng dời về ở trên ấy cho luôn.
Người nói chuyện với chúng tôi đó là ở trong xóm Chăm gần sát bên châu thành tỉnh Tây Ninh.
Năm 1927, tôi có ở Tây Ninh chơi một độ. Một hôm, trong một quán rượu, tôi thấy một người đàn ông nhỏ thó, da hơi đen, nói tiếng Nam trôi chảy mà giọng hơi lơ lớ, thỉnh thoảng lại pha vài ba tiếng Pháp. Hỏi ra thì anh này là người Chăm, có học chữ Pháp và quốc ngữ nhiều ít, nhà ở trong xóm Chăm gần châu thành đó. Liền đó, tôi đến chỗ anh ta ngồi mầy mà làm quen với anh ấy, rồi ngày hôm sau, tôi dậy sớm đi thăm xóm Chăm.
Hôm ấy gặp ngày chủ nhật, tôi rủ một thầy giáo quen với tôi đi cùng. Thầy giáo ra ý ngạc nhiên, lấy làm lạ, cứ gạn hỏi tôi đi vào đó làm gì. Đôi bên phân trần cùng nhau, tôi mới rõ ra rằng người mình dầu ở sát với xóm Chăm, song ít ai vãng lai với họ
Tuy vậy, thầy giáo cũng nể mách lòng mà đi với tôi. Bắt từ chợ thành Tây Ninh đi non một cây số thì đến xóm Chăm. Quả nhiên vào tới xóm họ, thấy quang cảnh khác lắm : đường đi thì thấp hơn.
Chúng tôi vào xóm. Cả xóm có độ một trăm nóc nhà, toàn nhà sàn(*) cả, phần nhiều lợp tranh, cũng có ngói một ít. Nhà nào bề ngoài phên vách(**) cũng xệ xạc. Trong vườn không hề trồng tỉa gì, có vườn thì chỉ thấy lơ thơ một vài bụi chuối, còn thì bỏ hoang, cỏ mọc um sùm. Đáng lấy làm lạ vườn của họ không có rào giậu, cũng không có ngăn, từ vườn nầy qua vườn kia đi thông thương được cả. Thì té ra về vườn đất, họ không có chia phần và bán cho nhau như ta. Họ lấy đất trong xóm làm của chung, tùy ai muốn làm nhà chỗ nào cũng được, thuế đất thì cứ chan đều cho từng nóc nhà, chia nhau mà nộp. Cái chế độ ấy hay lắm. Nếu vườn đất của họ được mua bán như ta, thì đất cả xóm đó sẽ về mấy tay nhà giàu mua hết, những người nghèo tất chí không chỗ mà ở.
Họ nhắc lại rằng xưa kia tổ tiên họ vốn có ruộng, chung quanh xóm đó dễ cày cấy, song bây giờ về tay người An Nam hết; họ cũng không biết được cái gốc tích tại làm sao mà những ruộng ấy lọt về tay người An Nam, nghĩa là mua bán với nhau hay là lấn cướp của nhau ?
Hết thảy người Chăm ở đó chỉ làm một nghề vào rừng kéo gỗ và lấy củi. Họ nuôi trâu bò là để dùng về việc kéo ấy, chớ không phải là dùng về việc cày. Cứ như người ở đó nói, thì trong xóm cũng có một vài nhà giàu có, giàu đến năm mươi vạn bạc, cũng là do nghề buôn gỗ cả.
Người Chăm ở đó không biết làm nghề thợ rèn. Cả xóm có ba cái lò rèn của người An Nam rèn toàn những rìu, búa, rựa, mác, là đồ để cho họ đẽo gỗ và đốn củi. Thợ rèn ta ở đó lấy giá đồ rèn cao hơn ở các làng An Nam, họ lấy cớ rằng vào đó mà ăn chung ở lộn với người Chăm là một sự bất kham cho họ, phải được tiền nhiều để đền bù lại cái điều bất như ý ấy.
Người xóm đó nói hai thứ tiếng, khi họ nói với nhau thì dùng tiếng Chăm, khi nói với người mình thì dùng tiếng Nam, dầu đến những đứa con nít cũng nói được hai thứ tiếng như vậy. Cả xóm không có một trường học nào. Cũng không có thầy riêng để dạy chữ Chăm cho nhau, hễ cha anh trong nhà nào biết chữ thì dạy cho con em mà thôi.
Người Chăm có hai thứ tôn giáo, hoặc theo đạo Bà la môn, hoặc theo đạo Hồi . Người Chăm xóm này hết thảy theo đạo Hồi .
Chúng tôi đi khắp cả xóm, vào qua một vài nhà, rồi sau hết mới tìm đến cái nhà người đàn ông gặp trong quán nước bữa nọ.
Người này tên là Ch.hi, có học, hay tới lui với người An Nam, nên nhà cửa làm theo kiểu An Nam, mà không làm nhà sàng như kiểu Chăm. Anh ấy có một người vợ và một đứa con nhỏ. Còn cha anh ta thì bấy lâu đã về ở trên miền sông Cái. Vì anh ta có biết chữ Pháp một ít, được làm việc trong một sở buôn Tây ở Tây Ninh, một tháng được vài chục bạc để nuôi vợ nuôi con.
Người này trước đã nói với tôi rằng anh ta biết chữ Chăm khá nhiều, nên tôi đến tìm anh ta, cốt để hỏi về các sách bằng chữ Chăm, coi thử có còn lại chút gì chăng. Anh ta nghe tôi hỏi thì ra dáng cảm động lắm, tợ hồ như tỏ ra mình là một người dân mất nước mà bị kẻ khác nhắc đến chuyện mất nước! Sau anh ta trả lời cách thật thà cho tôi rằng nguyên nhà anh ta có giữ được một ít sách của ông cha truyền lại, nhất là các sách lịch sử Champa, song khi cha anh ta dời đi thì khuân theo cả về trên sông Cái, vì sợ để ở đây có ngày sẽ thất lạc đi. Tôi bèn hỏi vặn anh ta có nhớ chút gì trong sử, thuật lại nghe chơi, bất kỳ chuyện gì cũng được, thì anh ta hứa với tôi rằng sẽ viết ra trên giấy, mà như thế thì anh ta tưởng là hơn nói miệng.
Cách vài hôm sau, anh Ch.hi gởi cho tôi một tờ giấy đôi, chép cả bốn mặt chữ quốc ngữ, kể chuyện vua Chăm. Tôi xem ra thì đấy chỉ là một câu chuyện nhân gian không có giá trị lịch sử, song cũng nhuận sắc lại mà chép theo đây, để khỏi phụ tấm lòng sốt sắng của anh ta. Tôi thấy vậy thì trong lòng tôi gợi ra biết bao là mối thương tâm... Mà ai đọc đến đây há lại không có đồng một cảm tình như tôi?
Chuyện vua Chăm

Bấy giờ vua Chăm (người chép chuyện không nói là vua gì, và ở đời nào) có một người con gái tên là Mứ-gouth. Trong xứ vua có một người con trai tên là Kakây, con của một người giàu kêu là Mú-sô-Palây. Kakây thấy Mứ-gouth thì ưng lắm mà không dám đi nói, vì mình là con dân mà nàng là con vua. Song Kakây không nhịn được, bèn tìm cách mà bỏ ngải cho Mứ-gouth. Mứ-gouth bị ngải, cách năm sáu ngày thì trốn ra khỏi cung vua mà theo Kakây. Vua biết con gái mình đã phải lòng Kakây, không tài nào gỡ ra cho được, bèn kêu Kakây đến mà gả Mứ-gouth cho.
Khi Kakây lấy được công chúa rồi thì ở lại triều giúp vua về sự đánh giặc. Nguyên vì Kakây có tài bói, lúc nào có việc trận mạc thì y giở lịch chọn ngày xuất hành cho nên vua đánh trận nào đều thắng trận nấy.
Vì thấy Kakây có tài như vậy, vua sợ dễ y rồi sẽ cướp ngôi mình đi, nên có ý muốn giết Kakây. Kakây biết ý vua thì than thở riêng với vợ mình. Công chúa đem lời tâu cùng vua, thì vua lại chối rằng không có bụng ấy. Vua thề trước mặt bá quan rằng nếu mình có ý giết Kakây thì trời sẽ làm cho mình mất ngôi đi.
Thế nhưng về sau vua quả lập thế mà giết Kakây thật. Một hôm, vua nhóm các quan tại sân chầu, rồi giàn năm con voi ra, bảo Kakây nhảy lên lưng voi cỡi cho vua xem. Kakây vâng lời thì vua ra khẩu hiệu cho voi rằng Mà inh tron pók, tức thì năm con voi xúm lại mà xé Kakây chết tươi.
Sau khi Kakây chết, vua đi cưới Lê công chúa, là con gái của vua An Nam. Lê công chúa xinh đẹp lắm, vua say mê vì nàng, không lo đến việc quốc chánh và binh cơ nữa. Vua ỷ rằng trong nước duy Kakây có tài, nay chết rồi, đã hết lo ; còn mặt ngoài thì vua đã cưới con gái vua An Nam, hai nước đã thông hôn với nhau thì cũng như một nước, từ rày sẽ hưởng cuộc hòa bình, không còn lo gì giặc giã nữa. Các quan tại triều cũng có đồng một ý kiến như vua vậy.
Trước cung vua, có một cây trai lớn và linh lắm, người ta nói rằng vua Chăm cường thạnh là nhờ thần của cây trai đó. Lê công chúa bèn giả đò đau, mời năm thầy mười bà đến bói, bà đều biểu nói rằng tại cây trai đó có ma, nên bắt bà phải đau. Bà bèn xin vua phải sức đốn cây trai ấy đi. Vua nghe lời, sai lính đốn cây trai. Lính giơ búa lên thì búa dính trên vai, không hạ xuống được. Vua nổi giận, tự cầm búa mà đốn lấy, vừa chặt ba búa thì cây trai ngả xuống và chảy máu ra như suối. Lê công chúa liền lành bịnh.
Lê công chúa gởi thơ cho cha mình là vua An Nam, nói rằng cây trai ấy đã hạ rồi, thì vua An Nam kéo binh vào đánh vua Chàm. Vua Chàm sai rả(***) cây trai ấy làm ván đóng thuyền để đi đánh giặc. Lạ cho cái thuyền ấy, không chèo không buồm mà cứ việc đi, vả lại đi theo ý vua muốn, vua chỉ đi đâu thì thuyền đi đó. Mấy trận đầu vua An Nam phải thua luôn.
Về sau, vua An Nam sai lính đến đóng cọc trong biển đó. Đến chừng đánh một trận nữa, thuyền vua Chàm mắc lấy cọc không tới lui được, vua giận, lấy búa bửa thuyền, thuyền chìm, vua thoát thân lên bờ, khi lên bờ rồi, vua còn đánh với quân An Nam mấy trận nữa, mà đều bị thua luôn, quan quân chạy một đường, còn vua chạy một đường.
Vua Chăm chạy, mà vua An Nam cứ đuổi theo. Sau, cùng đường, vua Chăm sa xuống giếng, tức thì có những con nhện giăng tơ lấp đầy miệng giếng. Vua An Nam kéo binh đến đó, thấy không có đường chạy nữa, mà sai lính tìm khắp cũng không ra dấu tích vua Chăm, toan rút quân về. Thình lình nghe con thằn lằn kêu tắc tắc trên miệng giếng, vua An Nam sai lính kiếm một lần nữa cũng không thấy. Tính việc bỏ đi, lại nghe thằn lằn kêu tắc tắc, vua bèn lấy gươm khều váng nhện trên miệng giếng thì thấy vua Chăm hiện ra. Vua An Nam bèn sai chặt đầu vua Chăm đem theo mình, còn cái thân thì bỏ lại đó. Vì sự tích đó, cho đến bây giờ, người Chăm vẫn coi con nhện là ơn và coi con thằn lằn là thù.
Khi vua Chăm bị chém, cái đầu lìa khỏi cái thân, thì cái đầu có dặn với cái thân rằng: hãy đợi đó bảy ngày thì đầu sẽ trở lại hiệp với thân. Mới được ba ngày, song cái thân ngỡ là bảy ngày, sao cái đầu không thấy trở lại, hoặc giả đi lạc rồi sao, bèn đứng dậy đi tìm cái đầu. Đi được một đỗi, gặp một lũ chăn trâu lêu lêu mà nói : coi bay cái người không đầu đi đâu đó kìa! Cái thân liền ngã xuống tại đó. Tới bảy ngày, cái đầu quả trở lại chỗ cũ, tìm cái thân không gặp, cũng rơi xuống nằm đó luôn.
Lúc đó, vua An Nam bắt voi của vua Chăm nhiều lắm, và vào cung vua khuân cả vàng bạc chở về ngoài Bắc. Còn dân Chàm thì bị giết, lớp thì chạy lớp tan lạc hết.
Con trai của vua Chăm là Bô Chơn và Bô Ti-cây thì chạy vào ở Tây Ninh, bấy giờ kêu là Rồn-đuôm-rây, xóm ở, kêu là Paóch-ruồm.
Bô Ti-cây có vợ tên là Nayposoth lịch sự lắm, nghe thấu tai vua Xiêm La. Sau khi ở Tây Ninh được ba bốn năm, vua Xiêm kéo binh đến đánh để bắt lấy nàng Nayposoth. Hai vợ chồng Bô Ti-cây cứ chạy chỗ nầy chỗ kia mà trốn. Vua Xiêm bắt không được cũng kéo quân về. Sau lại, nhơn trong lúc Bô Ti-cây đi vắng, Nayposoth ở nhà mở hội cúng tế đương đờn hát vui chơi, thình lình vua Xiêm kéo quân đến vây bắt nàng, chở lên voi đi qua sông Tầm-long, bây giờ kêu là Kampong Chamalông. Bô Ti-cây trở về thấy cơ sự như vậy, liền theo kịp lội qua sông, chém voi ngựa quân lính Xiêm chết nhiều lắm. Còn chừng bảy con voi nữa thì tới voi của Nayposoth cỡi, mà Bô Ti-cây đã mệt mỏi quá thể rồi, nàng thấy chồng mình như vậy, lấy làm tội nghiệp bèn bẻ nút áo vàng của mình đưa cho vua Xiêm bắn chết Bô Ti-cây. Vua Xiêm bèn đem Nayposoth về bên Xiêm.
Cái trận mà quân Xiêm qua bắt Nayposoth đó thì dân Chăm tổn hại nhiều lắm. Những con nít chạy qua cầu bị người lớn lấn té xuống sông chết không biết bao nhiêu, song quân Xiêm không hề giết ai.
Hòn núi ở Tây Ninh mà bây giờ kêu là núi Chơn Bà Đen cũng gốc từ trận ấy: Vì trong trận ấy, quân Xiêm thường nói với nhau rằng: "Phum chờn mê đen", nghĩa là: Xiêm theo kịp bắt được Nayposoth gần chơn núi.
                                                                                    *

                                                                 C. D.
                                                                                                                              Đông Pháp thời

Người Việt Nam đã đối xử người Champa ra sao

Sau ngày từ trần của Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn vào năm 1832, hoàng đế Minh Mệnh ra lệnh xô quân chinh phạt Panduranga-Champa vô cùng dã man trước khi quyết định xóa bỏ vương quốc này trên bản đồ Ðông Dương.
Sự diệt vong Champa vào năm 1832 đã đưa nhân dân Champa vào con đường vô cùng thống khổ. Một khi không chịu nổi nữa những tang thương của một dân tộc vong quốc, nhân dân Champa chỉ còn con đường duy nhất là vùng dậy chống lại kẻ xâm lược. Cuộc biến động đầu tiên sau ngày Champa diệt vong là sự vùng dậy vào năm 1833 của Katip Sumat, một nhân vật Hồi Giáo đã từng cư trú nhiều năm ở Makah (tức là Kelantan, Mã Lai). Trước đoàn quân hùng mạnh của Việt Nam thời đó, phong trào Kakip Sumat bị tan rã vào năm 1834.
Sự thất bại của Katip Sumat chỉ là tiếng chuông báo hiệu cho sự ra đời của một phong trào đấu tranh kế tiếp, với một tổ chức quy mô và hiện đại hơn, đó là sự vùng dậy của Katip Thak Wa, người Chăm Bani làng Văn Lâm (Phan Rang), cũng là một nhân vật đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Panduranga-Champa thời trước.
Sự ra đời phong trào của Ja Thak Wa trên sân khấu chính trị Việt Nam có một thời điểm rất thuận lợi, đó là thời điểm mà nhân dân Champa vong quốc đang gặp phải bao thống khổ hàng ngày vì sự áp bức của triều đình Huế. Chỉ nghe tiếng gọi đấu tiên của Ja Thak Wa, nhân dân Champa vùng dậy dưới một lá cờ chung, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, địa phương, nhằm giải phóng đất nước Panduranga-Champa, khôi phục lại những gì mà hoàng đế Minh Mệnh đã phá hủy, từ cơ cấu kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, v.v. Nhằm tiến đến mục tiêu, Ja Thak Wa đề ra một chiến lược đầu tiên đó là xây dựng lại vào năm Giáp Ngọ (nathak athaih, 1834) một cơ cấu giải phóng vững chắc trong những mật khu ở vùng cao nguyên Panduranga (Ðồng Nai Thượng) và Kauthara (Nha Trang-Phú Yên).
Phục hưng triều đại vua Po Romé

Một khi đã xây dựng mật khu chiến đấu, Ja Thak Wa triệu tập một hội đồng quốc gia để chỉ định Po War Palei, dân tộc Raglai, thuộc làng Cadang, lên làm quốc vương (Po Patrai) của Panduranga thời đó. Po War Palei là anh rể của Po Dhar Kaok (tên Việt là Nguyễn Văn Nguyên), tức là cựu phó vương Panduranga dưới thời vua Po Phaok The (1828-1832). Sau đó, Ja Thak Wa đề nghị tấn phong một người gốc Churu mang chức là Cei Aia Harei (hoàng tử mặt trời) làm hoà g tử kế vị và Ja Yok Ai gốc người Chăm làm Panraong Sa-ai (đại quan quân sự).
Po War Palei gốc Raglai là một nhân vật thuộc thị tộc Po Romé (dân tộc Churu), vị vua đã sáng lập triều đại thứ 6 của vương quốc Panduranga kéo dài từ năm 1627 đến ngôi vương cuối cùng là Po Ceng Cei Brei (1783-1786) đã bỏ ngai vàng chạy sang Cao Miên lánh nạn vào năm 1786.
Sự phong chức cho một quốc vương lâm thời và cho những quan lại trong thời điểm đó đã chứng minh rằng Ja Thak Wa muốn phục hưng lại Panduranga thành một “quốc gia độc lập”. Dù rằng các sử liệu tiếng Chăm đã ghi nhận rằng Po War Palei được dân chúng tôn vinh lên làm quốc vương Panduranga thời đó, nhưng triều đình Huế vẫn xem phong trào này chỉ là nhóm phản nghịch đặt dưới quyền chỉ huy của một số nhà lãnh đạo “ngu xuẩn và man rợ sống trong rừng núi (...)với mục đích là cướp bóc tài sản và tấn công người Việt” sống ở vương quốc này.
Chiến lược quân sự của Ja Thak Wa

Ðể chuẩn bị cho cuộc vùng dậy, Ja Thak Wa đứng ra lãnh đạo toàn bộ guồng máy tổ chức, biến khu vực rừng núi ở phía tây của các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận thành một hậu cứ chiến lược. Mặt khác, vị chỉ huy này biết dựa vào hậu thuẫn của dân tộc cao nguyên (Raglai, Churu, Kaho, Stieng...) ở vùng Ðồng Nai Thượng, một lực lượng hùng mạnh, lúc nào cũng sẵn sàng chống sự xâm nhập của người Việt vào khu vực của họ kể từ năm 1832. Cũng nhờ sự hiện diện của Po War Palei (gốc Raglai) và vị hoàng tử kế thừa (gốc Churu) trong tổ chức, Ja Thak Wa vận động rất dễ dàng các dân tộc miền núi tham gia vào mặt trận giải phóng của mình. Ðể mở màng cho cuộc *** tranh, Ja Thak Wa xua quân lần thứ nhất vào tháng thứ 7 năm Ngọ Champa lịch (nathak athaih, 1834) nhằm tấn công cùng một lúc khu vực đồng bằng từ Phú Yên đến Phan Rí.
Chính sách đất đai đỏ lửa của Minh Mệnh


Trước sự vùng dậy này, Minh Mệnh không ngần ngại áp dụng chính sách để khai trừ quân phiến loạn. Theo tác phẩm Ariya Gleng Anak viết vào năm 1835, cuộc tấn công của Minh Mệnh chống lại Ja Thak Wa vào tháng 7 năm Ngọ (nasak athaih, 1834) của lịch Champa là một chiến trường đẫm máu, nơi mà súng đạn và trọng pháo . Hàng loạt thôn xóm người Chăm thời đó để làm thế nào quân nổi loạn phải khiếp vía và thần phục. Thêm vào đó, Minh Mệnh còn trừng trị vô cùng tàn bạo những thành viên của Ja Thak Wa, có nghĩa là Cũng nhờ áp dụng chính sách này, quân Minh Mệnh thành công đẩy lui sự vùng dậy lần thứ nhất của Ja Thak Wa. Ngược lại, Ja Thak Wa có quan điểm hoàn toàn khác biệt. Theo ông ta, cuộc thất bại này không phải là vì quân Việt Nam hùng mạnh, nhưng vì dân chúng người Chăm ở đồng bằng không cương quyết đồng loạt nổi dậy như ông ta hy vọng.
Kỷ luật sắt của Ja Thak Wa

Ðể chuẩn bị cho cuộc tấn công lần thứ hai vào tháng 10 năm Ngọ của Champa lịch (1835), Ja Thak Wa ra lệnh cho chiến sĩ người Churu và Raglai phải thanh trừng đích đáng những người Chăm nào không theo cách mạng vì sợ sự trả thù của Minh Mệnh. Cũng nhờ áp dụng kỷ luật sắt đó, cuộc tấn công quân sự lần thứ hai đã mang lại một thắng lợi lớn lao. Quân cách mạng của Ja Thak Wa làm chủ tình hình vào đầu năm Ất Vị (1835) toàn bộ lãnh thổ Panduranga cũ (huyện An Phước, Hòa Ða, Tuy Tịnh và phủ Bình Thuận).
Ðối với Minh Mệnh, Panduranga là một khu vực chiến lược quân sự quan trọng. Chính vì thế, hoàng đế Minh Mệnh phải đích thân đứng ra giải quyết chiến tranh này để tái lập lại quyền uy của triều đình Huế ở miền nam. Chiến lược đầu tiên của Minh Mệnh đó là ra lệnh trừng trị thích đáng những quan lại Việt Nam bất tài không tìm giải pháp để dập tan sự vùng dậy của Ja Thak Wa ở Panduranga.
Chính sách diệt chủng

Minh Mệnh cũng ra lệnh cho mỗi quân lính của mình, nếu ai giết được một thành viên của nhóm Ja Thak Wa, họ được thưởng ba quan tiền mang dấu khắc . Nếu ai giết được một quan chỉ huy của Ja Thak Wa, họ sẽ được một phần thưởng quan trọng hơn nữa. Ngược lại, sử liệu tiếng Chăm còn nói rõ hơn là Minh Mệnh ra lệnh rằng mỗi người lính Việt Nam phải chém được ba đầu người Chăm theo phong trào Ja Thak Wa trong một ngày thì họ mới được hưởng lương bổng. Lợi dụng chính sách của Minh Mệnh để có thêm phần thưởng, cư dân Việt tranh đua tàn sát hàng ngàn nhân dân Champa vô tội để đưa vào danh sách là thành viên của Ja Thak Wa hầu được hưởng tiền thưởng này. Ðây là một vụ án diệt chủng kinh hoàng chưa từng xảy ra trong lịch sử Ðông Nam Á.
Chính sách quật mồ tổ tiên

Ngoài chính sách tiêu diệt dân tộc Champa để có phần thưởng, hoàng đế Minh Mệnh còn giao phó cho quân đội Việt Nam thẳng tay tàn sát, trục xuất, truy nã, tù đày những người phản nghịch và đồng bọn theo Ja Thak Wa và tranh thủ thời gian để biến dân tộc Champa mất nước thành những người dân nô lệ. Họ thiêu đốt các làng mạc người Chăm, vơ quét gia sản của họ, quật mồ tổ tiên (kut) của họ, đập phá nơi thờ phượng của các nhân vật lịch sử Panduranga thời trước như Pô Klaong Haluw (1567-1591/1579-1603), Po Saong Nyung Ceng (1799-1822) và thiêu đốt cả đền tháp Champa, như đền Po Romé.
Hết quật mồ mã vua chúa Champa, hoàng đế Minh Mệnh quyết định thay hẳn bộ mặt bản đồ dân cư ở Panduranga. Ðể ngăn chặn sự vùng dậy có thể xảy ra trong tương lai, Minh Mệnh ra lệnh các thôn làng Chăm phải dời đi nơi khác, xen kẻ với làng mạc người Việt để họ không còn cơ hội tụ hợp vùng dậy nữa. Kể từ đó, địa bàn truyền thống của cư dân người Chăm ở Panduanga không còn nữa. Sự mất tích trên bản đồ của tất cả làng Chăm nằm sát bờ biển là một bằng chứng cụ thể. Thể chế định cư trà trộn giữa dân Chăm và Kinh ở vùng Phan Rang và Phan Rí đã giải thích cho sự sụp đổ toàn diện cơ cấu văn hóa và xã hội của người Chăm, vì họ không còn là chủ nhân trên mảnh đất của tổ tiên họ nữa.
Dựa vào thế lực của triều đình Huế, các cư dân Việt Nam tung hoành cư xử như họ là chủ nhân của xứ sở Panduranga này. Lợi dụng sự chuyển cư của người Chăm đi nơi khác để phù hợp với chính sách mà Minh Mệnh đã đưa ra, cư dân Việt Nam xung phong xâm chiếm những đất đai màu mỡ và chỉ để lại cho người Chăm những khu vực khô cằn để rồi nông dân này phải chịu bao đói khổ triền miên.
Cuối cùng, Minh Mệnh cấm tất cả sự liên hệ giữa dân chúng Chăm ở đồng bằng và anh em Champa sống ở khu vực cao nguyên tức là Churu, Raglai, Kaho, v.v. Chính sách này có thể giúp chính quyền Minh Mệnh kiểm soát hay ngăn chặn những mạng lưới trao đổi giữa Chăm và dân tộc sống ở vùng Ðồng Nai Thượng, mà Minh Mệnh xem họ là những thành viên trung thành nhất với Ja Thak Wa.
Chiến tranh tâm lý

Một khi đã nhận diện sự sa lầy của quân đội Việt Nam ở Panduranga, Minh Mệnh nghĩ rằng chỉ có chiến lược chính trị là giải pháp hay nhất để đưa quần chúng Champa ly khai với nhóm phản động của Ja Thak Wa. Thế là triều đình Huế bắt đầu vuốt ve nhân dân Champa và krạu gọi họ là nên từ bỏ mọi sự nghi kyỳ đối với chính quyền Việt Nam và nên đặt lại niềm tin với triều đình Huế.
Ngoài chính sách chiêu hồi quần chúng, Minh Mệnh còn tìm cách chinh phục những nhân vật gốc Chăm có uy tín ở Panduranga để theo phe mình. Một trong những nhân vật mà Minh Mệnh muốn thu phục đó là bà chị của ông Dhar Kaok (cựu phó vương Panduranga 1828-1832), tức là vợ của Po War Palei. Một nhân vật khác mà Minh Mệnh cũng tìm cách thu phục là Po Phaok The, cựu quốc vương Panduranga (1828-1832). Minh Mệnh đề nghị thăng tặng cho cựu quốc vương này chức Diên Ân Bá (bá tước Diên Ân), nhưng huy hiệu này không bao giờ đến tay ông ta. Vì rằng, vào tháng 6 năm Ất Vị (1835), cựu quốc vương Po Phaok The bị triều đình Huế kết tội tử hình với hình phạt (chết từ từ) vì đã tham gia phong trào Ja Thak Wa.
Mặt dù Minh Mệnh đã áp dụng chủ thuyết , nhưng trận chiến đẫm máu giữa đoàn quân của Ja Thak Wa và quân Việt Nam vẫn còn diễn biến trên chiến trường ở Panduranga cho đến tháng thứ 4 năm Ất Vị (1835), năm đánh dấu cho sự tử trận của của Po War Palei (tiếng Việt là La Bôn Vương) và Ja Thak Wa (tiếng Việt gọi là Ðiền Sư) ở chiến trường gần thôn Hữu Ðức-Văn Lâm, Phan Rang. Mặc dù đã tử trận, triều đình Huế còn ra lệnh chặt lấy đầu của nhà lãnh đạo Ja Thak Wa để trưng bày cho quần chúng thưởng thức.

NHỮNG YẾU TỐ CHĂM PA TRONG VĂN HOÁ MIỀN TRUNG VIỆT NAM


Trong bài này, tôi ít bàn nhũng vấn đề sử sách lưu lại vì thực sự, về văn hóa xã hội, nhất là sinh hoạt trong đời sống thường nhật, không mấy khi sách vở ghi chép.Vùng biển Đà Nẵng có thờ "Lồi phi phu nhân", "Thiên Yana". ở thôn quê thì phổ biến lễ Tá thổ với những bài văn ghi tên những chủ "Ngung - Man - Nương" và tên một số tiên dân khác :"Lồi, lạc thương vong

Chăm - Chợ - Mọi rợ ... "Theo Dương Văn An, người giới thiệu sách Ô Châu cận lục (1555) vào thời ấy, tức là sau vài thế kỷ tiếp thu Điện Bàn phủ Triệu Phong, thế mà nhiều làng vẫn còn mặc đồ Chăm. Mặc đồ Chăm, đầu thế kỷ XX không thấy chứ màu Chàm, màu Chiêm Thành thì hầu hết nông dân Quảng Nam vẫn ưa dùng theo truyền thống của "dân tỉnh Chăm" (theo cách gọi của người Pháp).

Cũng như ngươi Việt, người Chăm lấy việc ruộng đồng làm gốc (dĩ nông vi bản). Những đồng bằng rộng lớn ngày nay ở Đại Lộc, Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên... đa số có thể nghĩ là do người Champà khai phá trước. Vì, nơi nào có kinh đô thì phải có hậu phương kinh tế vững. Nếu không có, phải tạo ra cho có, còn không, như bị vây hãm hay cấm vận vậy ? Nói tới làm ruộng phải có trâu bò. Thế nhưng ở Bắc Quảng Nam, khi người thợ cày muốn điều khiển trâu, bò thì dùng hai chữ "Hò rì, hò tắc", còn người phía Nam Quảng Nam lại dùng "ví, thá" ?Trâu, bò cũng như voi, ngựa, mua ở nơi nào phải dùng tiếng người ta đã dạy con vật đó lúc sơ sinh. Hơn nữa, trâu bò không dễ gì mua ở bắc vào, vì lạ nước, chúng sẽ "đổ", nghĩa là bỏ ăn, chết. Vậy hai thuật ngữ dùng để lái con vật sản xuất ấy tại sao khác nhau ? Nếu không phải trâu, bò mang ở Bắc vào (tôi chưa dám xác định) thì đây là vấn dề, khi nghiên cứu kỹ, có thể giúp ta tìm ra manh mối nguồn gốc cư dân cũ. Song song với thuật ngữ "lái" trâu bò, cũng cần biết thêm cái cày ở Bắc Quảng Nam là cày tranh, loại cày có má lớn, vừa xẻ đất vừa trở đất rất tiến bộ, bỏ xa loại cày chìa vôi ở phía Nam Quảng Nam chỉ dùng để xẻ đất mà thôi. Cày bừa là dụng cụ làm ruộng ở Trung Bộ, trong dĩ vãng đã vượt Bắc bộ nhiều phương diện. Sự kiện này phải chăng có chịu ảnh hưởng sâu đậm của Champà trước rồi Hoa sau ? Trong An chí luợc của Lê Tắc (Trần) có ghi chép lại Giao châu ký của Lưu Hân Kỳ : "Một năm tám lượt tằm (Tằm nuôi ở Nhật Nam - Bình Trị Thiên và một số vùng phía Nam thì có giống lớn). Từ tháng ba đến tháng tám đều có nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa". Như thế, thời Champà nông tang cũng rất thịnh.

Có người nghĩ : khi chúa Nguyễn vào Nam, nhà chúa muốn phân biệt dân Nguyễn và dân Trịnh bằng cách thay đổi y phục, mũ, nón, giày. Tôi nghĩ hoàn toàn không phải vì lý do đó mà chủ yếu vì thực dụng. Chẳng hạn, nói cái nón : Nón Bắc (các vùng ở phía Bắc) là nón thúng tiện dùng để đi lại, cấy lúa hoặc nhổ cỏ dễ dàng. Trái lai nón chóp rất tiện dụng. Lại cũng không phải nón chóp vùng Nam Trung Quốc mà phần dưới xòe ra. Nó chính là loại nón chóp vùng Mã Lai, trong đó có người Champà - nón đội của đàn ông giống nón Quảng, Huế... Nón đàn bà giống hệt loại nón ở Gò Găng, Bình Định mà thời xưa các quan phủ huyện, chánh phó tổng hay dùng.

Về áo quần thì màu Chàm là dấu ấn sâu sắc kéo dài qua nhiều thế kỷ như đã nói ở trên.

Chúng ta dễ nhận thấy ghe, thuyền của Mã Lai giống hệt một số ghe ở các tỉnh miền Trung. Trong bài : "Ghe hầu Quảng Nam và các tỉnh phương Nam " của Nguyễn Bội Liên và Hồ Phước Tâm (Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành QN-ĐN - 1981) có phân tích rõ ghe này chịu ảnh hưởng của Chiêm Thành. Ghe bầu (theo Trần Kỳ Phương trong Một vài nhận xét về những yếu tố Mã Lai trong văn hóa Champà và Trung Việt Nam", bản đánh máy đọc ở Mã Lai tháng 9-1991) là một biến âm của từ "gay" và "Prahu" để chỉ ghe buồm Mã Lai.Chẳng cần phải nói dài dòng và tỉ mỉ, cứ nhìn qua hình thể các thuyền ở miền Bắc Việt Nam, Trung Quốc và các ghe ở Quảng Nam với vùng Mã Lai - Đông Nam á, lập tức người ta phân biệt được ngay "thuyền Bắc và ghe Nam". Ghe bầu là một bước phát triển lớn của ngành hàng hải Việt Nam.Về âm nhạc, theo Đại Việt sử ký toàn thư, đời Lý, vua khiến nhạc công đặt nhạc khúc gọi là điệu Chiêm Thành. Tiếng nhạc trong trẻo mà ai oán, thảm thương nghe muốn khóc. Học giả Đào Duy Anh nghĩ là những điệu nhạc cung nam ngày nay gốc gác từ đó.

Trong nhạc cụ của Chiêm Thành có một nhạc khí nay vẫn lưu truyền mà Lê Tắc, tác giả tập sách mới dẫn, gọi là phạn sĩ (trống cơm); đó là loại trống dài, hai đầu bịt và đặc biệt, trươcc khi vỗ, người ta ép hai cục cơm (hay xôi?) vào hai đầu trống. Tiếng trống trong và buồn. Tôi không hiểu tại sao các bạn hát bội kính trọng trống này lắm, thờ nó ở chỗ cao nhất, có tính thần linh. Chỉ cần nghe nhạc "thính phòng" và "ca Huế" thì biết âm nhạc Chiêm Thành ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào. Chuyện giữa Việt và Champa dài lắm - e phải viết thành những bộ sách.

Để tạm kết thúc, tôi dẫn ra đây một tục lệ được tôn kính của nhiều tỉnh miền Trung. Đó là lễ Tá thổ. Người Việt tự hào mình ăn ở chung thủy, qua lễ Tá thổ, tôi thấy điều ấy đúng.Lễ được cử hành vào tháng ba. Nhưng nhà khá giả thì nhờ thầy cúng hay nhờ sư viết lá sớ. Người ta vái các cô hồn, cô bác, đạo lộ, khuôn viên. Phẩm vật có gạo, muối, hột nổ, thịt heo, thịt gà (thường là nguyên con gà để coi giò gà)... Nhà giàu thì cúng nguyên cả "cái thủ" heo. Mâm cơm có cá chiên, cá nướng, bát canh... Cúng thổ thần có trầu, cau, rượu, đồ giấy. Quan trọng hơn cả là bộ tam sinh : 3 tôm, 3 cua, 3 trứng, nải chuối, chè xôi và đặc biệt còn có mắm cái, rau lang luộc, thêm khoai lang cu, sắn củ, mía, bắp trái luộc, nước trắng lấy ở giữa dòng sông...Các món cúng khác với lễ kỵ giỗ truyền thống đã đành mà còn tiêu biểu cho thục đơn của tiên dân; mắm cái là món ăn khoái khẩu nhất khi đi đôi với rau lang (không phai rau muống). Mắm cái (mắm nêm) từ đây vào Nam sẽ phân biệt với mắm ruốc từ Huế ra Bắc. Cũng chú ý rằng người Quảng Nam luộc rau lang chấm mắm cái nhưng không đặt lên bàn thờ cúng ông bà. Còn như các món khoai, sắn, bắp, nước giữa dòng thì hoàn toàn đặt ra ngoài nghi lễ Việt Nam.

Cúng xong, bỏ dỗ ăn vào cái xà - lét (bị) treo lên các trụ cổng. Có người lấy bẹ chuối, bẻ theo hình thuyền, đặt xà - lét lên rồi đưa ra giữa dòng sông. Đó là bè xà - lét.

Nguyễn Văn Xuân

Thành Châu Sa (thành Champa) Quãng Ngãi

Lâu nay, các nhà khảo cổ học thường nhắc nhiều đến quần thể di tích Mỹ Sơn ở 
Quảng Nam hay những ngọn tháp sừng sững bên trời của Bình Định mà ít đề cập
đến thành cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi. Trong khi đây gần như là thành Chămpa duy 
nhất còn sót lại.
Tiểu phẩm Phật giáo bằng đất nung được phát hiện trong thành nội.
Từ quốc lộ 1A xuôi về Sơn Mỹ chừng 5 km sẽ gặp thành cổ Châu Sa. Những cuộc
chiến tranh liên miên cộng với thời gian một ngàn năm đã làm cho thành cổ này gần
như bình địa. Tuy nhiên, những gì còn lại sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu hình dung
được phần nào tính quy mô của thành. Theo Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi
(Bảo tàng Quảng Ngãi), thành Châu Sa được người Chăm xây vào thế kỷ thứ IX, 
đến đời Lê tiếp quản và gia cố thêm vào thế kỷ XV. Chu vi chừng 4km vuông, mặt 
thành rộng 4m, cao 6m, được đắp bằng đất, Châu Sa là thành bằng đất duy nhất 
của người Chămpa được phát hiện tại miền Trung. Ngoài khuôn viên của thành
được vây bọc bằng những bờ hào khá sâu, thành cổ Châu Sa còn có hai gọng 
thành, gọi là “càng cua”, nối thành nội với sông Trà Khúc-con sông lớn nhất của 
tỉnh Quảng Ngãi.
Châu Sa là địa điểm có đủ ưu thế về mặt quân sự để người Chămpa xây thành.
Nam giáp sông Trà Khúc, bắc có sông Hồng Giang nối qua Diêm Điền-Chợ Mới
để về cảng biển Sa Kỳ. Từ “càng cua”, cũng có thể ra sông Trà để về cửa Đại,
gặp biển Đông. Vùng hạ lưu sông Trà có rất nhiều kinh rạch chằng chịt dọc ngang.
Sông Kinh và sông Phú Thọ nối Sa Kỳ với vùng Cổ Lũy-Thu Xà. Đây là những địa
danh từng một thời là trung tâm thương mại của vùng đất này thế kỷ XVII-XVIII.
Từ Châu Sa nhìn về phía đông bên kia sông Trà là núi Phú Thọ, án ngữ biển Đông
Năm 2004, tại chân núi Phú Thọ, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của
những làng nghề và khu dân cư của người Chăm cổ. Cũng tại núi Phú Thọ, hiện
còn sót lại hào thành hình bàn cờ. Đây được xem như tiền đồn của Châu Sa, dùng 
để báo động mỗi khi có địch quân tiến vào cửa Đại. Người Chămpa vốn giỏi thủy
chiến nên việc xây các thành ở gần vị trí của nhiều con sông là điều dễ nhận ra.
Bệ thờ của người Chăm được phát hiện tại Châu Sa.
Do địa thế thuận lợi nên Châu Sa từng một thời là trung tâm kinh tế vùng đất phía
nam kinh đô Đồng Dương (Quảng Nam) của người Chămpa thế kỷ thứ IX-X. Dấu
vết dễ nhận thấy về sự phồn thịnh của nó là ở “càng cua” phía đông của thành có
một xưởng sản xuất gốm đồng thời là thương cảng. Rất nhiều mảnh gốm, đủ các
chủng loại và xuất xứ hiện vẫn còn vương vãi khá nhiều trên mặt đất, cạnh cầu Sắt
ngày nay. Các nhà khảo cổ đã bắt gặp các loại gốm có cùng niên đại với Châu Sa
ở cửa biển Sa Kỳ cũng như cửa sông Vực Hồng của Thu xà. Điều đó nói lên mối
giao lưu buôn bán khá mật thiết giữa các vùng kinh tế thời bấy giờ.
Ngoại thành Châu Sa, người ta đã phát hiện nhiều hiện vật, gọi là “cút”, giống thẻ bà
i đeo trên người. Các “cút” này có bề ngang 5cm, dày 1cm, dài từ 7-10cm. Ở nội thành
có rất nhiều tiểu phẩm Phật giáo bằng đất nung. Đây là vật làm tin của các tín đồ Phật
giáo, với hy vọng sẽ đem lại may mắn, hanh thông khi đeo vào người. Mới đây, trong 
thành nội, các nhà khảo cổ còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn, càng 
khẳng định thêm về vị trị chiến lược của thành cổ này. Cách thành Châu Sa 500m về
phía bắc có tháp Gò Phố. Đây là nơi hành hương của những tín đồ Bà la môn thời bấy
giờ.
Năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp Henry Parmentier đã phát hiện ra thành Châu 
Sa gồm toàn bộ phần đất của thành nội ngày nay và một “càng cua” ở phía đông. Ông
tình cờ phát hiện trong khuôn viên của viên công sứ người Pháp ở Quảng Ngãi có một
tấm bia mang nội dung ca ngợi công đức của vua Chămpa Indravacman II cùng xuất xứ
của tấm bia này. Năm 1988, Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) phát
hiện thêm một “càng cua” nữa ở phía tây thành. Còn Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc 
Khôi thì phát hiện thêm thành ngoại của Châu Sa, hiện vẫn còn thành đất dài 6km.
Vào khoảng cuối thế kỷ XV, người Việt tiếp quản thành Châu Sa và đặt trụ sở hành
chính tại đây, cai quản thừa tuyên Quảng Nam (Từ Quảng Nam đến Phú Yên).
Người ta đã phát hiện tại thành cổ này một con triện bằng đồng từ
thời nhà Lê cai quản vùng đất này. Con triện hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử
TP. HCM. Đáng tiếc là ngành văn hóa quá chậm chân trong việc công nhận di tích này
để có cách can thiệp cần thiết nhằm ngăn chặn việc đào thành của người dân để làm
nền nhà. Sự việc này diễn ra trong nhiều chục năm, mãi đến năm 1994 thì chấm dứt
sau khi Châu Sa được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, suốt 12
năm nay, Châu Sa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như nó đã từng chịu trận suốt một
nghìn năm qua.
web:mangxahoi.ohavi.com