Thánh đường Mubarak. Ảnh: TP. Diều |
Ở Nam bộ, người Chăm không nhiều, phần lớn sinh sống tập trung ở An Giang. Mặc dù có cùng nguồn gốc, nhưng người Chăm ở An Giang khác với người Chăm ở miền Trung.
Người Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận đa số theo đạo Bà La Môn, còn gọi là Chăm Bàni, còn người Chăm ở An Giang phần lớn theo đạo Hồi, còn gọi là người Chăm Islam. Chính sự khác biệt này đã làm cho đặc điểm sinh hoạt, phong tục tập quán của hai dòng Chăm này khác nhau.
Người Chăm ở An Giang thường cư trú theo các triền sông, vì cách cư trú này phù hợp với nghề đánh bắt thủy hải sản của họ. Và ở trong khu vực cư trú này, người Chăm thường xây rất nhiều thánh đường để tiện cho việc hành lễ. Các thánh đường này được người địa phương gọi là chùa, như chùa lớn, chùa nhỏ.Từ thị xã Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang sang bờ bên kia rồi đi thẳng lên một đoạn là gặp thánh đường Mubarak, nằm trêm một khu đất rộng, thoáng mát. Đó là một công trình có lối kiến trúc hoàn toàn khác với các kiểu kiến trúc của chùa Hoa, chùa Việt, hay chùa Khmer thường gặp.
Mubarak được xem là một thánh đường có lối kiến trúc tiêu biểu của cộng đồng người Chăm ở Châu Giang. Kiến trúc công trình thể hiện đường nét riêng, mang đậm văn hóa Hồi giáo nói chung và văn hóa của người Chăm ở Nam bộ.
Cổng chính vào ngôi thánh đường có hình vòng cung, phía trước, trên nóc có một tháp lớn hai tầng, nóc tháp hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, biểu tượng của đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao. Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2,4 mét. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Bên trong thánh đường. Ảnh: Trần Phỏng Diều |
Bên trong thánh đường không có bàn thờ hoặc hình tượng bất kỳ vị thần, thánh nào. Ở một đầu nhà có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng điều khiển các buổi hành lễ và có minbar là nơi thầy giảng giáo lý trong buổi lễ thứ Sáu hàng tuần. Căn phòng lớn rộng rãi với bốn vách tường được sơn hai màu trắng và xanh lợt, nền lót gạch bóng lộn làm cho không gian mát dịu dù ngoài trời nắng như đổ lửa. Trên trần nhà cao, những cây đèn chùm treo trên trần tô điểm nội thất thánh đường vẻ trang trọng, tôn nghiêm.
Hằng năm, có ba kỳ lễ lớn diễn ra ở thánh đường Mubarak. Đó là lễ Roja vào ngày 10 tháng 12 Hồi lịch; lễ Ramadan kéo dài từ ngày 01 đến 30 tháng 9 Hồi lịch (còn gọi là tháng ăn chay); lễ sinh nhật của đức giáo chủ Muhammed vào 12 tháng 3 Hồi lịch. Trong những dịp lễ này, đông đảo tín đồ Hồi giáo từ mọi nơi quy tụ về đây, tạo thành những ngày hội văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét