Thánh đường đêm Roya. |
Đó là tộc người được dân Đồng bằng sông Cửu Long gọi “Chà Và Châu Giang”. Gọi vậy vì người ta tưởng gốc gác họ là người ở đảo Java (Indonesia) và bởi vì họ là tín đồ Hồi giáo Islam sống nhiều tại Châu Giang (Châu Đốc xưa, nay thuộc thị xã Tân Châu). Thật ra, người Chăm An Giang và đồng bào Chăm các tỉnh Nam Trung bộ là một. Theo một giả thiết, khi rời quê cha đất tổ, họ sang Java, cải đạo (từ Bà La Môn, Bà Ni sang Islam) rồi trở về định cư ở nhiều huyện trong tỉnh Châu Đốc xưa, nhưng phần lớn sống ở Châu Giang.
Trong khi người Chăm miền Trung không ăn thịt bò (vì thờ Bò) thì người Chăm An Giang lại ăn và kiêng kỵ thịt heo, thịt chó, vì cho rằng heo và chó là những con vật dơ dáy. Theo đạo Islam, nên người Chăm An Giang có nhiều luật tục khá khắc nghiệt. Ngày xưa, thiếu nữ Chăm An Giang phải khép mình sống trong nhà quanh năm suốt tháng, vì tục ga-sâm (cấm cung). Sau năm 1975, các cô đã được đi lại làm ăn, nhất là được ca hát, biểu diễn văn nghệ giúp vui cho làng xóm, tranh giải và đã đoạt nhiều huy chương trong các hội diễn, hội thi địa phương và toàn quốc.
Theo đạo Hồi Islam, nên người Chăm An Giang nghiêm chỉnh chấp hành 5 tín điều: Một là, tin tưởng tuyệt đối vào thánh Allah; hai là, hành lễ mỗi ngày 5 lần; ba là, chay tịnh trong tháng thánh lễ Ramadam; bốn là, bố thí cho người nghèo; năm là, hành hương về thánh địa Mecca. Thiêng liêng nhất là tháng thánh lễ Ramadam, còn gọi là tháng ăn chay, vào ngày 1-3 tháng 10 Hồi lịch. Hồi lịch không có tháng nhuận nên tháng Ramadam cứ lùi dần, không cố định thời gian nào so với dương lịch. Năm nay, tháng Ramadam bắt đầu từ ngày 11-8 và chấm dứt vào ngày 9-9-2010.
Tháng Ramadam là “dịp để đồng bào cả nam lẫn nữ từ 5 tuổi trở lên tự kiểm điểm lại những hành động đúng, sai của mình trong từng ngày, từng tháng của năm qua để khắc phục, sửa chữa và sám hối. Mỗi người (trẻ con, người già, người bệnh, phụ nữ có thai, người đi xa nhà thì được miễn) trong suốt tháng này từ rạng đông đến chạng vạng phải tuyệt đối nhịn ăn, nhịn hút thuốc lá, nhịn uống; khi tắm cũng không để cho nước chảy vào lỗ tai; nhịn quan hệ tình dục; không sát sinh hại vật; nhất là không gây gổ, cãi vã làm mất đoàn kết với bất cứ ai”.
“Để chuẩn bị cho tháng khắc khổ này, trước ngày lễ Ramadam, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc hùn nhau mua sắm bánh trái hoặc dê bò (tuyệt đối kiêng ăn thịt heo và thịt chó, nên họ không nuôi những con vật này), để khi “ra lễ”, 29 ngày sau tháng Ramadam, sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng hay tại thánh đường, nhưng vẫn không được uống rượu kể cả bia. “Những ngày hội” sau tháng thánh lễ này được diễn ra trong ba ngày. Đây cũng là ngày “hẹn truyền thống” của những thành viên trong xã hội người Chăm Hồi giáo. Tất cả những người vì sinh kế đi làm ăn buôn bán phương xa đều bươn bả trở về đoàn tụ với gia đình, thăm hỏi bà con thân thuộc, xóm giềng. Họ xem đây là ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước và chuẩn bị đầy đủ đặc sản để đãi khách, bất kể thân, sơ, gọi Tết Roya, vui như người Việt ăn Tết Nguyên đán vậy” (Nguyễn Hữu Hiệp, “An Giang - Văn hóa một vùng đất”, tr. 195, 196, 197, NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2003).
Tết Roya, gọi đầy đủ là Roya Phitrok. Trong các ngày này, người Chăm đi chúc mừng nhau, xin xóa tội cho nhau, đặc biệt bố thí cho những người nghèo khổ... Cũng như các dân tộc khác, Tết Roya, đồng bào Chăm An Giang ăn diện trang phục truyền thống thật đẹp. Các thiếu nữ Chăm tha thướt trong chiếc ao tunic (áo dài), duyên dáng với chiếc khanh maom (khăn thêu) trên mái tóc đen tuyền. Nhìn các cô đi trên phố, ta có cảm tưởng lạc vào xứ sở “Ngàn lẻ một đêm” huyền bí. Các chàng trai Chăm trang trọng trong trang phục ao karung (áo dài nam), quấn xà-rông, đội mươt (nón). Tất cả nô nức kéo nhau đến thánh đường.
Thánh đường Chăm được xây dựng theo kiểu kiến trúc Mas Jid Mecca. Đó là một căn phòng rộng, dài nằm theo hướng Tây - là hướng tín đồ nhìn về khi hành lễ, gọi là Ka’Bah. Ở phía Tây, vách Thánh đường có một khoảng lõm vào (gọi là Mih Rab), bên phải có bục giảng (gọi là Min Bar) là nơi để thầy cả đứng giảng cho tín đồ nghe bằng tiếng Chăm về giáo luật. Ở góc thánh đường có tháp cao, gọi là Manara để Bilal gióng chuông báo giờ hành lễ mỗi ngày 5 lần. Các lễ này gồm: Su Boh (rạng đông), Zu Hur (trưa), Asar (chiều), Magh-Rib (hoàng hôn) và I-Sha (tối). Ngày thứ sáu hằng tuần, lúc 12 giờ trưa, tất cả nam tín đồ trên 15 tuổi phải đến thánh đường hành lễ, gọi là HaGav Lum At. Tín đồ vận chăn, đầu đội khăn trắng, trang nghiêm với các thao tác: đứng im khoanh tay trước ngực hoặc ngồi để tay trên đùi, vuốt mặt hay cúi đầu sát đất với cả lòng thành kính. Có thể nói thánh đường đẹp nhất của họ là Mubarak ở Phũm Xoài (Châu Giang). Nóc giáo đường này cao vút với nhiều vòm trông rất uy nghiêm, trang nhã.
Dịp Tết Roya, người Chăm thường ăn các đặc sản của mình. Thứ nhất là cà ri và cà púa. Cà ri còn được gọi là cà ri Chà, nấu với thịt bò, thịt dê hoặc thịt gà, thịt vịt, nhưng ngon nhất là thịt con dê đực khoảng 1 năm tuổi. Cà ri nấu với khoai. Cà púa cũng làm với thịt các con vật ấy nhưng ướp với các gia vị mạnh mùi (bột cà ri, đinh hương, quế khâu, củ hành tím, ớt khô, tỏi, muối, đường, bột ngọt), đặc biệt phải thiệt cay, hơn cả cà ri. Con vật để làm 2 món này phải được cắt tiết theo đúng quy định của đạo Islam. Người ta đặt đầu con vật về hướng Tây, đọc kinh Coran, rồi cắt lấy tiết (không lấy huyết), sau đó mới xả thịt. Cà púa được xem là đặc sản “độc nhất vô nhị” của người Chăm An Giang. Ngoài hội đủ các yếu tố cần thiết của món ngon, cà púa còn tập hợp đầy đủ hương vị hấp dẫn làm cho khoái khẩu khi ăn. Cà púa được nấu với nhiều dừa, cực béo, nhưng không làm tháo dạ. Sau khi làm cà púa (ăn với cơm nị), thịt bò vụn người ta làm tung lò mò: Loại bỏ hết gân và bầy nhầy của thịt bò vụn, người ta xắt thịt rồi bằm nhuyễn cùng với mỡ bò, trộn tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài gia vị bí truyền, để cho thấm. Ruột bò lộn trái, cạo, rửa nước muối, rửa sạch rồi lộn lại, phơi hơi se. Dồn thịt vào ruột bò, thắt từng khúc chừng 3 đốt tay, tròn cỡ ngón chân cái, phơi chừng 3 nắng. Giống như lạp xưởng của người Hoa, tung lò mò nướng (kilete) hoặc chiên (chuh) khi ăn.
Về lễ cưới người Chăm An Giang, gồm có những nghi thức trang trí cho phòng cô dâu, chú rể như gối nằm, gối dựa, những hoa văn trên tấm ti-gai (màn) có đính nhiều hạt chuỗi thủy tinh nhiều màu sắc, đính nhiều bông hoa (bông lựu, bông bốn cánh, các loại dây leo,...). Còn có cái khay đựng tiền và 2 cái hộp bằng đồng theo tập tục Khmer để đựng trầu cau, đựng rượu. Cô dâu mặc áo dài bằng nhung (hay nhiễu) đỏ, tím, chạy dài xuống quá gối, không xẻ hông. Một cái băng to bản màu xanh lam quấn quanh ngực và vai, có đính nhiều vòng chuỗi cườm. Dưới chân áo lộ ra chiếc xà-rông tơ tằm phủ xuống tận mắt cá. Vì là dân tộc theo mẫu hệ nên đám cưới người Chăm không rước dâu mà chỉ đưa rể. Khi chú rể bước xuống thang nhà, bạn bè hát vang bài “La mệ La mư” (bài hát giã từ cha mẹ)...
Có một điều hiếm người biết về mộ người Chăm. Theo ông Solaymal (80 tuổi) quản lý Khu nghĩa địa dân tộc Chăm Hồi giáo ở Phũm Xoài cho biết Nguyễn Hoàng đã đưa đồng bào Chăm miền Trung vào đây đánh đuổi quân Miên xâm lấn Châu Đốc. Họ hy sinh và được lập mộ tại đây vào năm 1700. Theo tập quán, đồng bào Chăm khi qua đời nội tạng phải ép thật sạch trước khi bó chiếu chôn (không dùng quan tài), mộ không đấp nấm đặt bia, chỉ có hai viên gạch làm dấu. Năm 2000, đồng bào Chăm địa phương hùn tiền xây tường rào bảo vệ di tích, bên trong vẫn là mảnh đất bằng với cỏ dại mọc đầy.
CÁT LỘC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét