Rup halin ( about me)

Ảnh của tôi
Dalam tanâh Yuen hu anâk Cam saong nagar Cam

Sang/Home

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Tiềm thức

Putra Champa
*Tóm tắt truyện:
     “ Nhân vật chính trong câu chuyện được gọi với cái tên là “ hắn”. Một người rất thành công trong xã hội Mỹ. Nhưng anh ta luôn trăn trở vì nguồn gốc thật sự của bản thân mình. Sau một cơn bệnh sốt, anh càng thấy rõ hơn nỗi đau khổ của một người không rõ xuất xứ bản thân. Và thế là từ đó anh quyết tâm tìm hiểu, mình là ai…”
       Hắn bị sốt, đã ba bốn ngày nay hắn không thể gượng dậy để đi làm. Sau cái lần dầm mưa bất đắc dĩ khi ra đường đón taxi, hắn bị cảm rồi sốt luôn. Thật cực cho thân hắn cũng tại vì hôm ấy xe hắn hư. Mà ắc nghĩ trong cái xã hội Mỹ phồn hoa nhưng lắm bận bịu này thì chỉ có lúc bệnh mới là lúc sướng, được ăn, được ngủ, được người khác hầu hạ…Ấy thế mà sao thấy hắn có vẻ khó chịu quá. Hình như hắn không muốn nằm trên giường bệnh, hay có một chuyện gì lạ lắm, vì vào mỗi lần hắn lên cơn sốt. Hắn thường thốt lên những ngôn từ lạ mà gia đình hắn không biết đó là thứ ngôn ngữ gì, hắn cứ lầm bầm và thốt ra những ngôn từ ấy bằng thứ tiếng mà giống như khi người ta bị uất, cố gượng để bài tỏ nỗi uất ấy. Hắn thì làm gì có chuyện u uất.  Từ trước đến nay mọi điều may đều mĩm cười với hắn. Vợ đẹp này, con ngoan này, công việc tốt này…Nhưng ít ai nghĩ đến nỗi lòng mà bấy lâu nay hắn giấu kín. Hắn không biết, hắn là ai !
       Từ nhỏ hắn được nuôi dưỡng bởi một gia đình người Mỹ gốc Arab. Ngay từ thuở biết u u ớ ớ. Hắn đã bập bẹ tiếng Arab. Thiết nghĩ sự ngây thơ của hắn từ lúc nhỏ thật ngu ngơ. Ở trường hắn luôn bị bạn bè triêu chọc là đứa con hoang. Hắn không hiểu, bởi hắn có cha, có mẹ với đầy ấp tình yêu thương. Hắn luôn giữ khư khư tình yêu thương ấy mà chẳng chút nghi ngờ gì. Cho đến khi hắn lớn một chút, hắn luôn đứng thật lâu mỗi khi soi gương. Không phải để làm dáng, mà hắn hình như đang suy nghĩ điều gì đó. Một điều mà chắc từ cơ thể hắn đã tạo cho hắn những suy nghĩ, những thắc mắc, nghi vấn ấy. Lần đầu tiên, khi hắn mới nhận ra, hắn chạy ngay vào mẹ khi mẹ hắn còn trong bếp để chuẩn bị cho bữa tối.
-         Mẹ ơi sao da con sạm đen, sao con không trắng như mẹ?
-         À, thì tại con ham chơi ngoài nắng nhiều quá, mẹ la hoài mà con có chịu nghe đâu!
-         Mà sao mũi con không cao như mũi bố?
-         Con là con nít, làm sao giống bố được.
Hắn dường như thỏa mãn với những câu trả lời đó. Và kể từ đó hắn không còn thấy lạ và thắc mắc khi đứng trước gương nữa. Nhưng khi hắn càng lớn, càng biết nghĩ thì hắn không cần chạy đến mẹ và hỏi nữa. Bởi tự hắn đã có câu trả lời . Hắn có làn da sạm đen, tóc dợn sóng, đôi môi dày và cặp mắt đen…Rõ ràng hắn thuộc chủng người Châu Á vùng phía nam, khác với ba mẹ hắn là người Ảrab da trắng. Hắn biết, bố mẹ hắn biết nhưng chẳng ai đá động đến hay hỏi nhau sự khác biệt ấy cả. Nhiều lúc khách đến nhà chơi, vô tình thấy vậy cũng buộc miệng hỏi. Nhưng bố, mẹ hắn cố lờ đi và hắn cũng làm như chưa từng nghe gì cả
Cuộc sống cứ vẫn thế trôi thật êm đềm đối với hắn. Hắn tốt nghiệp đại học tại một trường danh tiếng của Mỹ với thứ hạng ưu, được vào làm tại một công ty lớn với vị trí cao. Và sao đó hắn lấy một cô vợ Arab vừa đẹp người lại đẹp nết. Gần đây vợ hắn còn sinh cho hắn một cậu con trai rất kháo khỉnh. Nói chung, cuộc sống và tập quán hằng ngày của hắn và gia đình chẳng khác gì một gia đình Arab thuần túy ngoài vẻ bề ngoài của hắn là một người góc Á.
Cứ tưởng cuộc sống của hắn cứ thế cho đến cuối đời. Nhưng định mệnh đã không cho điều đó xảy ra. Hình như trận sốt này là một bước ngoặc rẽ con đường thẳng mà hắn đang đi thì phải. Hắn lạ, mỗi lần tỉnh lại, hắn không nói với ai, ai hỏi gì cũng không trả lời. Hắn cứ ngồi dường như đang nghĩ.  Có lẽ chắc hắn cũng không biết hắn đang nghĩ gì. Nhưng linh tính bảo hắn rằng hắn phải nghĩ, nghĩ để nhớ ra một việc gì đó rất quan trọng đối với hắn.
Hắn cứ thế đã hơn một tuần nay. Vợ con hắn lo lắm, ba mẹ hắn cũng thường xuyên đến thăm. Vợ hắn còn tìm đến các chuyên gia tâm lí, nhưng chẳng giải quyết được gì. Mẹ hắn cứ nhìn con rồi khóc, dường như bà chợt nghĩ ra một vấn đề gì đó. Bà kéo tay chồng vào một góc, hai người nói nói gì đó một hồi, bà móc từ trong túi ra một cái hộp nhỏ, dường như bà đã chuẩn bị sẵng từ trước. Bà từ từ đi về phía hắn , âu yếm nhìn hắn và nói.
-Bấy lâu nay chắc con cũng biết con là con nuôi của vợ chồng ta.
        Hắn nhìn bà thật châm chú nhưng vẫn không thốt ra lời nào. Bà nói tiếp:
        -V ợ chồng ta luôn xem con là con ruột và nếu không có sự việc như ngày hôm nay chắc ta cũng sẽ chẳng nói ra. Chồng ta nhận con từ một người bạn của ông ta vốn làm nghề báo. Trong một lần ông ấy đi lấy tin ở nước ngoài, ông đã nhặt được con. Lúc ấy dường như ông ta rất bận trong công việc nên thường gởi con ở nhà vợ chồng ta. Nhưng có một lần ông ấy gởi mà chẳng bao giờ quay lại lấy. Chồng ta đi tìm hiểu thì mới biết, ông ta đã bị giết sau một lần đi lấy tin tại Kampuchia. Từ đó, chúng ta nhận con là con cho đến hôm nay. Ta cũng không biết gì nhiều ngoài những chuyện đã kể với con.
      Nói đoạn bà đưa cho hắn cái hộp. Hắn mở ra trong hộp có một sợ dây chuyền cũ kĩ và một mặt dây chuyền lớn bằng bạc đã  rỉ sét qua thờ gian. Nhưng trên đó có hai dòng chữ còn hiện lên rất rõ. Dòng thứ nhất ghi bằng chữ Arab nên hắn có thể đọc được ngay, đó là tên người, tên của một người phụ nữa “ Halimah”. Dòng thứ hai hắn chẳng biết là chữ gì. Chỉ biết nó cong cong giống chữ mà người Ấn Độ hay sử dụng. Hắn cầm dây chuyền rồi ngước lên nhìn mẹ hắn. Mẹ hắn hiểu hắn muốn biết điều gì nên bà nói tiếp
-         Đây là sợi dây chuyền mà vợ chồng ta đã cất kĩ từ lâu. Khi con được giao cho vợ chồng ta, trên cổ con có đeo nó. Ta nghĩ nó có liên quan đến thân thế con.
Nói rồi bà nhìn hắn với hai con mắt đỏ hoe. Bà nói:
-         Dù là gì, dù con là ai. Nhưng con vẫn mãi là con của bố mẹ phải không?. Con hứa với bố mẹ điều đó nhé.
         Hắn chợt hiểu và ôm lấy ba mẹ hắn với tiếng nấc thật lớn, những âm thanh ấy hòa lẫn trong tình yêu thương của những con người tuy không có mối liên hệ máu mũ nhưng tình người đã gắn kết họ lại và làm cho tình cảm ấy trở nên thiêng liêng đến như thế.
         Sau cái lần ấy, hắn bình phục hẳn. Trong đầu hắn bây giờ đã có một mục đích khác, hắn muốn đi tìm hiểu xem hắn là ai. Sau bao lần hỏi han, tìm tòi. Hắn biết được dòng chữ trên mặt dây chuyền ấy là tiếng Kampuchia. Nó được phát âm là “svay sleang” nhiều người nói đây là tên của một ngôi làng thuộc huyện Kroch Chhma, tỉnh Kampong Chhnang thuộc vương quốc Kampuchia. Vậy là hắn đã có đầu mối, hắn quyết phải đến Kampuchia một chuyến để tìm hiểu thật hư. Cùng với sự ủng hộ của ba mẹ và vợ con, hắn như có thêm tinh thần và phấn chấn lên hẳn. sau khi đã thu xếp êm xuôi mọi công việc từ công ty đến gia gia đình, thế là hắn đi , một chuyến đi mà hắn đã nghĩ được mịch đích từ trước “ Tôi đi tìm nguồn góc của mình”
          Đáp xuống sân bay Phnom Pênh, hắn hít môt hơi dài thật thoải mái rồi lên taxi tiến thằng đến khách sạn Naga World. Thật ra hắn đã tìm hiểu rất kĩ Kampuchia từ trước đó. Hắn bây giờ cũng có khá nhiều kiến thức về đất nước này, nhưng hắn cũng phải cần một người hướng dẫn biết tiếng Anh. Hắn hỏi thăm và được nhân viên khách sạn giới thiệu một người hướng dẫn viên du lịch có tên Musa. Hắn ấn tượng với cái tên này, vì cái tên cho hắn biết đấy là một ngườ Islam ( Hồi giáo). Sẽ rất thuận tiện cho hắn khi có một người hướng dẫn lộ trình cũng là người Islam. Hắn nóng lòng được gặp người này và luôn hối cô tiếp tân mau chóng xếp lịch cho cuộc gặp. Cuộc hẹn cũng được sắp xếp, hai người gặp nhau tại đại sảnh của khách sạn. Musa là một chàng trai trạc hai mươi ba, khuôn mặt khá sáng, dễ cho người ta một ấn tượng tốt ở lần gặp đầu tiên. Anh bắt chuyện trước và được Musa trả lời với một giọng Anh ngữ rất điêu luyện. Qua cuộc trò chuyện hắn biết được , Musa là sinh viên mới tốt nghiệp, đang làm tại một công ty du lịch ở Phnôm Pênh này. Quê anh ở tỉnh Kampong Cham. Anh nói, những người theo Islam ở Kampuchia đều thuộc sắc tộc Chăm và có nguồn góc từ một nước Champa nào đó. Nhưng tại đây trong giấy tờ pháp lí họ luôn gọi anh là Khmer Islam và Kampong Chăm quê anh chính là nơi có nhiều người Chăm Islam sinh sống nhất. Nhưng cái mà hắn đang nghĩ lúc bấy giờ là “ Svay Khleang”. Hắn hỏi dồn dập anh về vấn đề này và được anh giới thiệu khá rõ về nơi mà hắn đã ám ảnh bấy lâu nay. Hắn sốt sắn thúc giục anh sắp đặt lộ trình đi thẳng đến Kampong Chnang nơi có làng Svay Khleang. Nhưng anh nhã nhặn khuyên hắn hãy nán lại ít ngày thăm quan thủ đô đã. Sự này nỉ của anh cộng với tài giới thiệu đã thuyết phục được hắn ở lại một ngày để thăm quan thủ đô.
      Anh dẫn hắn đi thăm hoàng cung, nơi có những tòa lâu đài ánh vàng lộng lẫy. Anh còn dẫn hắn đi viện bảo tàng , nhìn ngấm những cổ vật thời xưa của đế chế Angko cổ…Giữa trưa hai người cùng tạc qua một thánh đường Islam để hành lễ và ăn uống ngay quán ăn Muslim ở gần đấy. Hắn hỏi
-         Mình còn nơi nào để đi nữa không?
-         Còn chứ, tôi sẽ dẫn anh đi một nơi, nơi đó rất đặc biệt.
     Ăn xong, hai người cùng đi đến nơi đặc biệt mà Musa nói đến. Chiếc taxi dừng tại một   nơi tưởng chừng như một khu phố, nhưng không phải vậy. Hắn ngắm nhìn một cách thích thú hay có vẻ lạ thì đúng hơn, khi nhìn thấy một khối kiến trúc bao quanh là những kẽm gai ngoằn nghòe được bao bọc bởi khu dân cư với nếp sinh hoạt hết sức bình thường. Đây đúng thật là một điều thú vị. Hắn nói. Musa mĩm cười xong cùng mời hắn bước vào thăm quan bên trong hàng rào kẽm gai ấy.
      Qua giới thiệu hắn được biết đây là nhà tù thời chế độ Khmer Đỏ, nó có tên là Toul Sleng. Trước đây nó vốn là một trường học, nhưng khi Khmer Đỏ chính thức cầm quyền tại Kampuchia thì chúng trưng dụng nó làm nhà tù. Nơi đây đã từng chứng kiến những vụ tra tấn đẫm máu và những vụ giết người gê rợn nhất. Hắn bước vào trong, dường như hắn lạ lắm. Không khí âm u của nơi này làm hắn lạ hay hắn có một linh cảm riêng và linh cảm ấy làm hắn lạ? không biết ! chỉ biết hắn lạ và Musa cũng nhận ra điều đó.
-         Anh sao vậy, chắc bị say nắng à?
-         À, không sao, mình cứ vào đi.
Khi bước vào bên trong nhà tù mà ngày xưa là những lớp học. Hàng loạt hình ảnh về vụ diệt chủng được trưng bày. Hắn bước từng bước một, ngấm nhìn một cách chăm chú lặng thinh không nói điều gì, hình như hắn đang nghĩ gì đấy. Bây giờ, những lời giới thiệu và giải thích về những bức ảnh của Musa cũng bằng thừa vì hắn không hề nghe thấy. Cái hắn nghe thấy lúc này chính là âm thanh của Toul Sleng thật sự, âm thanh kiêu gào của những con người xấu số, yếu ớt…Bỗng khuôn mặt hắn trở nên tái nhợt khi bước vào một phòng giam gần đó. Hắn nhìn , nhìn thật kĩ căn phòng cũ kĩ, với những đốm máu vẫn còn nguyên. Hắn lại chăm chú nhìn vào những gọng xích được thiết kế rất kì lạ và ghê rợn . Hắn thật sự cảm thấy khó chịu , hắn cũng không biết tại sao mình lại có cảm giác đó. Musa cảm thấy lo lắng khi nhìn thấy sắc mặt của hắn lúc này. Anh cố hỏi nhưng hắn lặng thinh, không trả lời hay hắn không thể trả lời vì hắn giờ đây như đứng ở một thế giới khác. Một thế giới rất kinh khủng mà dường như trước đây hắn cũng đã từng có mặt ở đó. Rồi đột nhiên hắn bật dậy chạy thật nhanh ra ngoài trong ánh mắt nhìn ngạc nhiên của tất cả mọi người có mặt lúc đó.Musa cũng vụt chạy theo, hắn quay lại nắm lấy tay Musa thật chặt và nói trong hơi thở hổn  hển.
Nhà tù Toul Sleng
-         Anh dẫn tôi đi một nơi, nơi mà những con người này bị giết.
Musa trố mắt nhìn anh. Sao anh có vẻ hốt hoảng vậy. Anh muốn hỏi nhưng rồi chợt nghĩ nó tế nhị quá, thế nên lại thôi. Tuy trời đã xế chiều và nơi mà hắn muốn đến là vung ngoại ô cũng hơi xa, nhưng với vẻ mặt và lời khuẩn khoản của hắn Musa dẫn hắn đến nới đó mà chẳng có chút do dự. Nơi đó có tên là “ cánh đồng chếtnó cách thủ đô Phnom Penh 17 km, là nơi Khơ me Đỏ tra tấn và tàn sát khoảng 15.000 người, gồm nhiều trẻ em Campuchia và cả người nước ngoài, từ năm 1975 đến 1979. Nơi có những hố lớn không sâu vốn là nơi chôn thây của hàng ngàn nạn nhân xấu số. Buổi chiều tà tại “ Cánh đồng chết” này thật khiến người ta có cảm giác ghê rợn. Sự hiu quạnh điều hui, âm u cộng với những thứ tiếng của đàn chim hoang không rõ nó trú ngụ ở đâu chỉ biết nó đang phát ra những thứ âm thanh khiến người nghe được phải rùng mình. Musa cảm giác được những thứ ấy, anh không hiểu được cái tiềm tàng bên trong. Bởi anh là lớp người sinh sau, anh sinh sau thảm họa đẫm máu mà Khmer đỏ đã gây ra cho toàn bộ dân tộc trên đất Kampuchia này. Nhưng hắn lại khác, dường như hắn có cảm giác chính hắn đã từng trãi qua những thảm cảnh đó. Hắn không cảm thấy ghê rợn, cũng không cảm thấy âm u. Cái mà hắn cảm thấy lúc này là nỗi sợ, nỗi sợ hãi tột độ của những con người đáng thương, bị dồn vào chân tường để giết như một con thú hoang.
Hành hình tù nhân tại cánh đồng chết
        Hắn hoang mang vội vã ngoắc chiếc taxi về khách sạn, hắn không thèm quan tâm hay đúng hơn là không cảm giác thấy Musa đang đi cùng. Anh đưa hắn về khách sạn rồi từ biệt đi về. Hắn bước vào phòng với cái đầu cứ nhức bưng bưng. Dường như có ai đó đang cầm búa rồi từng nhịp đập vào đầu hắn. Hắn cố leo lên giường nằm nhưng mỗi khi nhắm mắt lại những hình ảnh chết chóc lại hiện lên trước mắt hắn rõ đến nỗi khiến hắn phải giật mình mà không dám nhắm mắt nữa. Tối ấy hắn thức trắng, cặp mắt đen hiện rõ sự tiều tụy. Hắn đang ngồi đợi hay đúng hơn là hắn đang đợi chính quá khứ của hắn.
        Hôm ấy như đã hẹn, Musa đến đón hắn để cùng nhau tới Kampong Chnang nơi có ngôi làng Svay Khleang mà hắn muốn tới. Chiếc xe đò lao nhanh trong đám bụi đỏ xa dần thủ đô phồn hoa để tiến về khoảng trời rộng, xanh rì với những bụi cây ven đường. Sau hàng giờ đi xe. Kampong Chnang đã ở ngay trước mắt họ. Cái cả hai phải làm đầu tiên là tìm một nơi nghỉ chân vì trời cũng đã sẩm tối. Cả hai cùng tấm rửa rồi hành lễ, bữa cơm tối hôm đó thấy hắn khác hẳn, phấn chấn và hoạt bát trở lại. Điều này cũng khiến Musa bớt lo vì lúc đầu anh cứ nghĩ hắn bị trúng tà. Có lẽ, hắn là người hiểu hơn ai hết tại sao hắn có thể phấn chấn trở lại. Bởi hắn lại tìm ra được một mấu chốt nhỏ trong quá khứ của hắn. Hắn cảm giác được, một thứ cảm giác khó tả nhưng lại rất thật và hắn biết nó đúng. Thảm họa diệt chủng của Khmer đỏ chắc chắn có liên quan đến quá khứ của hắn. Hắn đinh ninh như vậy và quyết theo hướng đó để tìm hiểu. Sau một thời gian gắn bó với người bạn đường Musa, hắn cũng cảm thấy tin cậy anh và để thuận lợi hơn, hắn quyết định kể mục đích của mình đến Kampuchia cho anh nghe. Tối hôm đó cả hai trò chuyện đến tận khuya.
      Hiểu được tâm trạng của hắn, Musa phần nào cũng nhẹ nhỏm hơn và anh cũng tự nhủ lòng rằng sẽ cố hết sức để giúp hắn tìm hiểu. Anh dẩn hắn thẳng vào ngôi làng có tên “ Svay khleang” ấy. Làng Svay Khleang là ngôi làng toàn những hộ gia đình người sắc tộc Chăm sinh sống nên Musa có thể dễ dàng giao tiếp và đi vào câu chuyện. Anh và hắn được một người trong làng mời về nhà chơi. Sau buổi cơm thân mật, Musa bắt đầu câu chuyện nhầm dọ hỏi xem có được thông tin gì không. Chủ nhà vốn là người đã lớn tuổi, đã từng sống khổ nhục trong thời Khmer đỏ nên ông biết rất nhiều. Ông lão ngồi tựa cột, đôi mắt như chợt ngấn lệ khi bắt đầu kể.
Làng Chăm Svay Khleang, Kampuchia
        Vì hắn không thể nghe hay nói tiếng Chăm nên mỗi lần ông lão kể một đoạn là Musa lại dịch cho hắn nghe một đoạn. Hắn nghe có vẻ chăm chú hăng say như nghe chính cuộc đời của mình vậy.
         Câu chuyện của ông lão bắt đầu từ những tiếng súng ở đầu làng. Ông lão lúc ấy là một chàng thanh niên, cao to. Làng Chăm ở Svay Khleang này thời đó đông lắm, vui lắm, đi đâu cũng thấy dân chăm mình. Thế nhưng sau cái ngày Khmer đỏ nắm chính quyền thì làng ta chẳng bao giờ được yên. Chúng thường đến sinh sự bắt bớ rất dã mang. Lão dằn giọng đôi mắt in đậm dưới dấu châm chim càng thấm buồn hơn khi tiến sâu vào câu chuyện. Ta còn nhớ cái ngày định mệnh ấy. Lão nói.
       Cái ngày định mệnh mà ông lão nói là ngày mà Khmer đỏ lùa cả làng ra đứng ở bãi đất trống trước ngôi thánh đường Islam mà dân Chăm ở đây luôn xem là biểu tượng linh thiêng nhất. Hình như chúng đã có chỉ thị của cấp trên để triển khai kế hoạch này từ trước nên chúng làm rất trình tự. Tối hôm ấy chúng dẫn hàng chục con lợn( người Islam cấm ăn hoặc sờ, đụng và lợn) mang đến cột ngay bên trong thánh đường, trước khi cho cột lợn chúng cho bắn chỉ thiên hàng chục phát , nhầm răng đe không cho dân chúng ra khỏi nhà. Sáng sớm tinh mơ, chúng lùa cả làng đến đứng trước sân thánh đường. Bên cạnh tên thủ lĩnh là từng chồng sách kinh Quran mà chúng đã gom từ trước đó. Một tên cằm loa la lớn.
-         Chúng mày xem đây.
Tiếp đến hắn quay sang xé những quyể kinh Quran để lau những vật ô uế từ lợn rồi giẫm đạp dưới gót chân. Nhiều người trong đám đông chịu không nỗi bước ra can ngăn liền bị bắn tại chỗ. Nhưng đó chưa là tất cả. Cái tên mang loa phóng thanh nói tiếp.
-         Tụi bây sẽ không bị giết nếu ngoan ngoãn bỏ đạo.
Bọn chúng lôi ra vài con lợn. Thọt huyết tại chỗ rồi lóc ra những miếng thịt. Chúng cầm những miếng thịt ấy lên rồi nói.
-         Ai tiến tới ăn miếng thịt này thì ta sẽ cho sống.
Cả dân làng lặng thinh không ai dám lên tiếng. Chúng lại bắng chỉ thiên, tiếng súng nổ ầm trời làm đám trẻ con khóc thét. Chúng lại la lớn
-         Tao bảo gì tụi bây có nghe không hả.
Rồi chúng lôi ra một hai người trong làng. Cố nhét miếng thịt lợn vào miệng họ. nhưng điều bị nôn ra, tức mình chúng dùng cán súng đập lên đỉnh đầu họ, máu ra nhiều lắm, họ quằn quại một hồi rồi lịm hẳn. Kể đến đây ông lão bổng dưng lặng yên, có lẽ những kí ức này sẽ chẳng bao giờ được lão nhớ lại nếu không có sự khuẩn khoản của hai chàng trai trẻ này. Hắn chợt nhìn cụ, tự dưng hắn cảm thấy phải cho cụ xem một thứ. Hắn móc từ trong túi ra cái hộp đựng sợi dây chuyền cũ kĩ. Ông lão nhìn thấy sợi dây chuyền chợt im bặt, không nói lời nào. Hắn cố lay cụ để hỏi. Ông lão như chợt hoàn hồn, ông đưa bàn tay già nua nhăn nheo của mình nắm chặt lấy tay hắn và hỏi.
-         Cháu vẫn còn sống à?
 Hắn không hiểu ông lão hỏi như vậy là có ý gì. Nhưng hắn biết ông lão chắn chắn hiểu rõ xuất xứ của cọng dây chuyền này. Mà thật vậy, ông vội lấy khăn rằn lau nhẹ những dòng nước mắt vừa tuông. Đoạn, ngồi thẳng người và tiếp tục câu chuyện với ánh mắt luôn hướng về hắn.
-Ta và tất cả những người trong làng được vây lại và bị đưa đi, trong đó có mẹ cháu.
Hắn quát lớn:
-         Mẹ cháu à?
-         Có lẽ là vậy, nếu như sợi dây chuyền này đúng thật là của cháu
-         Ông …ông làm ơn kể rõ cho cháu nghe được không?
Ông lão gật đầu với vẻ mặt rất sẵng lòng. Dõng dạt cất lên tiếng kể
-Trong đám người bị lùa đi vào ngày hôm đó ta bắt gặp một người phụ nữ với dáng người rất tội nghiệp. Bà vừa ôm một đứa con, có lẽ chỉ khoảng hai ba tháng tuổi, vừa khóc rất đau thương. Ta cố hỏi những người quen biết cô ta thì mới rõ hóa ra trong số những người bị hành quyết lúc nãy có chồng cô ta. Ta cảm thấy cô ta rất đáng thương, nhưng lúc đó ta cũng cảm thấy rất sợ hãi. Bởi, tất cả những người trong làng còn chưa biết số phận của mình sẽ ra sao. Chúng nhồi nhét chúng ta vào một chiếc xe cũ kĩ, chật nít rồi chở đến một nơi mà có lẽ từ trước đến giờ ta chưa từng đến đó. Nơi đó đầy những song sắt, gay kẽm và rợn người với những tiếng rên la đau đớn. Trong chuyến đi đó rất nhiều người đã chết vì ngạt thở khi bị nhồi nhét trong xe. Số còn lại thì chúng lùa vào những căn phòng nhỏ rồi cùm chung bằng một cái gông dài làm cho mọi người nằm la liệt dưới sàn. Mặc cho những tiếng rên la đau đớn chúng dùng những sợi dây roi dài, thay nhau quất vào đám người tội nghiệp ấy. Ta không biết những người kia như thế nào, nhưng ta, mẹ cháu cùng một số người nữa bị kéo đi để đưa đến một khu rừng, à mà có lẽ là một cánh đồng hoang thì đúng hơn. Ở đó thật ghê rợn cháu ạ ! tuy chúng ta bị chúng nhét vào căn chòi lụp xụp để chờ, chúng ta chẳng thấy được gì, nhưng bọn ta nghe thấy những tiếng kiêu thất thanh, tiếng khóc thét của trẻ con và cả tiếng rên khi người ta bị thương sắp chết. Ta rất sợ, ta ngồi co người lại nhìn về phía mẹ cháu, mẹ cháu không nói gì, khuôn mặt như mất hồn, cứ ngồi đấy mà ôm chầm lấy con vào lòng. Bỗng hai tên hùng hổ xông vào lôi từng người một đi ra, lúc này ta mới thấy rõ quang cảnh xung quanh. Đó toàn là những hố nông, trong hố chứa chồng chất những xác người thối rữa. Và kinh hãi hơn là ở bờ của những cái hố ấy bọn chúng đang dùng những nhánh cây lớn đập vào đầu tù nhân rồi đẩy xuống hố. Tiếng kiêu thất thanh sau mỗi lần đập. Những con người ấy giẫy giụa một cách điên cuồng trong đống máu tươi hòa lẫn với những đống thịt thối rữa nhầy nhụa trong hố. Đám trẻ con thì được bọn chúng dồn về một phía và cứ thế, một tên vạm vở trong nhóm nắm mạnh đôi chân của chúng , đưa lên rồi quật mạnh vào thân cây cổ thụ gần đấy, xác chúng cũng được thảy vào những cái hố ấy. Lúc đó cháu rất nhỏ, nhỏ đến nổi mẹ cháu có thể dấu cháu trong vạt áo mà bọn chúng không biết. Nhưng lúc đó ta thấy, sợ dây chuyền này lộ ra từ vạt áo ấy. Rồi tiếp đến ta cũng bị chúng lôi đi, chúng cũng dùng nhánh cây ấy đập vào đầu ta, nhưng có lẽ cú đập hơi nhẹ nên ta không chết. Chúng đẩy ta vào hố và tưởng ta đã chết. Tuy lúc đó ta không thể thấy gì nữa nhưng ta nghe rất rõ sự giằng co giữa chúng và mẹ cháu khi tách cháu ra. Rồi mẹ cháu cũng bị giết. Có lẽ sau một ngày trời dùng sức và những dụng cụ thô sơ như vậy để giết hại tù nhân, nên bọn chúng thấm mệt, chúng chỉ lôi cháu lên và ném thật mạnh vào hố vì nghĩ rằng trước sau gì cháu cũng chết. Ta lờ mờ thấy rõ con khóc thét lên, rồi sờ soạn mò mẫm quanh những cái xác ấy để tìm vú mẹ.
 Nghe đến đây, hắn bổng đứng phắt dậy rồi nói.
-Đúng rồi có phải tấm ảnh ấy
       Rồi hắn cũng lờ mờ hiểu ra toàn bộ câu chuyện. Thật ra tấm ảnh ấy là một ác phẩm của một nhà báo sau khi ông từ chiến trường Kampuchia trở về. Nó nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì nhờ vào tính nhân đạo của bức ảnh. Chủ đạo củ bức ảnh là một chú bé khoảng hai ba tháng tuổi đang bú một cái xác với xung quanh toàn xác người thối rữa và những vũng máu đen. Hắn hiểu đó chính là hắn. Và có lẽ cũng chính nhà báo ấy đã cứu hắn và đưa hắn về Mỹ, với một nhà báo bận rộn , ông không thể thường xuyên chăm sóc hắn, bởi thế nên ông mới gởi cho ba mẹ nuôi để chăm sóc hắn. Và cũng có lẽ sau lần trở về đây, ông đã hy sinh và không về đón hắn nữa.
     Hắn khóc, khóc nhưng không nghe tiếng nấc mà chỉ thấy những giọt nước mắt. Cố nghẹn trong dòng lệ hắn bổng thốt được tiếng cám ơn, không phải bằng tiếng Anh cũng không phải bằng tiếng Arab mà là bằng tiếng Chăm. Tiếng mẹ đẻ của hắn, hai tiếng ấy phát ra thật tự nhiên như chính bản thân hắn từng ê a từ lúc lọt lòng. Qủa thật không có nỗi đau nào hơn khi người ta không là chính mình và không có niềm hạnh phúc nào hơn khi họ được là chính họ.
Thân tặng Nhox !
Bà Rịa, ngày 10 tháng 1 năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét